Có nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến thí sinh trong dự thảo Quy chế tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 do Bộ GD-ĐT công bố vào chiều 18.12.
Năm 2015, thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn cách vào các trường ĐH, CĐ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết dự kiến quy chế chính thức sẽ được ban hành trước Tết Nguyên đán sau khi Bộ lấy ý kiến đóng góp và chỉnh sửa.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một môn do TS tự chọn trong số các môn thi còn lại. Riêng đối với môn ngoại ngữ, TS có các chứng chỉ quốc tế có uy tín (theo quy định) sẽ được miễn thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Không còn thang điểm 10
|
Lãnh đạo Bộ lý giải kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được mục đích này, yêu cầu phân hóa trình độ của TS phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước.
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những TS phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của TS, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Trả lời băn khoăn của phóng viên về việc Bộ mở rộng thang điểm lên 20 nhưng các trường có đề án tuyển sinh riêng vẫn tính thang điểm 10 liệu có gì khác biệt không, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng không có khó khăn gì về việc sử dụng kết quả vì hiện nay việc đánh giá trong nhà trường vẫn theo thang điểm 10.
Theo dự thảo, mức điểm liệt cũng nâng lên từ thang điểm 1 năm trước lên điểm 2. Vì vậy việc tính điểm tốt nghiệp THPT, gồm 50% kết quả học lực lớp 12 và 50% điểm thi tốt nghiệp, cũng thay đổi. Cụ thể, năm ngoái kết quả tốt nghiệp THPT lấy tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT cộng với kết quả trung bình học lực lớp 12 sau đó chia cho 4 thì năm nay sẽ chia cho 8.
4 đợt xét tuyển, mỗi đợt tối đa 4 nguyện vọng
Theo dự thảo quy chế, các trường ĐH, CĐ tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ duy trì các khối thi như những năm trước đây. Ngoài ra, các trường có thể mở rộng tổ hợp các môn thi khác theo yêu cầu tuyển sinh của trường và tạo điều kiện cho TS có thêm lựa chọn đăng ký xét tuyển.
|
Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, TS đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân. Căn cứ kết quả thi của TS trên toàn quốc, Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Mỗi TS được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (có mã vạch để nhận dạng từng đợt xét tuyển) và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. TS dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển TS chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng nhưng có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường.
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm: “Mỗi đợt xét tuyển được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng nên cơ hội trúng tuyển của các em sẽ được tăng lên. Do đã có mã vạch nhận dạng nên không lo việc dùng giấy xét tuyển của đợt này để xét tuyển trong đợt khác”.
Trong thời hạn xét tuyển cho từng đợt, TS được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng. Bộ quy định, với những trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng: Nếu xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở THPT thì điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 với bậc ĐH và 5,5 với bậc CĐ.
Các cụm thi đều do trường ĐH chủ trì
Ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ đã tiến hành khảo sát cụ thể và dự kiến có 34 - 35 cụm thi trên cả nước. Việc tổ chức cụm thi dựa trên cơ sở năng lực của trường ĐH được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi này. Theo dự thảo quy chế, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và giao cho các trường ĐH chủ trì. Đối với những tỉnh khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ông Trinh khẳng định việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.
Trả lời thắc mắc của Thanh Niên về việc liệu 2 cụm thi cùng một quy chế và đều do trường ĐH chủ trì như vậy thì TS thi ở cụm thi tỉnh lúc đầu chỉ đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng sau đó muốn xét tuyển vào ĐH, CĐ có được không, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Các em hoàn toàn chưa hết cơ hội vào các trường ĐH, CĐ”. Hiện nay các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc chỉ dựa vào kết quả học tập của học sinh ở THPT và học sinh dự thi ở cụm thi tỉnh vẫn có cơ hội vào những trường ĐH, CĐ này.
Bình luận (0)