Thằng Út

21/06/2007 16:26 GMT+7

Chị em tôi ra đời giữa những lần cha về phép thăm nhà. Tôi hơn thằng Út 6 tuổi. Mới đầu tôi cũng vui khi thấy trong nhà có thêm em bé, nhưng sau tôi ghét nó.

Đầu tiên là việc mẹ không cho tôi ngủ chung để rúc vào lòng mẹ khi trời trở lạnh. Mẹ ngủ với nó. Suốt ngày mẹ làm đồng rồi về bế bồng, tắm táp cho nó. Lúc nó đã 4-5 tuổi rồi mà không biết đi, tôi càng ghét hơn. Nằm mãi, nó như con chuột mới sinh ướt đẫm và yếu ớt khóc oe oe. Trong làng không có ai như nó. Trẻ con sinh ra như củ khoai, củ sắn, ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò. Rồi cứ thế mà vịn giường tập đi, tập chạy. Chúng tôi lớn cả đấy thôi. Chỉ có nó mới vậy. Nó đâu biết, tôi bị bạn bè trêu chọc tức muốn chết. Có lúc tôi đã cầm gương nằm bên cạnh nó, soi xem nó có giống tôi không. Hình như là có. Nó là con của cha mẹ tôi. Hình như là không. Nó xấu, chẳng cười, chỉ khóc. Tôi ao ước giá mẹ đừng sinh ra nó. Giá như tôi không có đứa em này.

Phải lớn thêm một chút, tôi mới hiểu bệnh tình của nó. Các bác sĩ kết luận cha tôi bị nhiễm chất độc da cam. Nghe nói, nhiều người cùng đơn vị đều bị như cha. Một hôm mẹ vắng nhà, tôi phải thay áo cho em. Tấm lưng bé xíu ướt đẫm máu lẫn mủ làm tôi xót xa. Tôi ấp nó vào ngực, cảm nhận tiếng đập của trái tim trong lồng ngực bé tẹo. Nó cũng là người, sao nó khổ như thế? Là chị, sao tôi lại không thương em mình?

Từ hôm ấy tôi chơi với nó nhiều hơn. Chị em tôi tìm lá đắng về tắm cho em. Chúng tôi vui sướng và ngạc nhiên nhận thấy thay đổi trên người thằng Út. Da nó dần dần bớt chảy mủ và liền lại. Không biết có phải nhờ được ăn thịt mèo đen hay thịt cóc, nhờ mẹ van vái tứ phương hay do uống lá thuốc chúng tôi hái trong rừng? Một ngày kia, thằng Út lắc lư cái đầu rồi lật sấp. Nó cũng đã biết cười, ít khóc. Gia đình tôi rất vui. Tôi thấy em giống mình. Chỉ nụ cười là ngây ngô đến tội!

Ngoài giờ đi học ở trường, tôi tha nó đi khắp nơi. Chiều chiều, để nó trên mảnh chiếu trải ở bờ đê, tôi lùa bầy bò đi uống nước hoặc lội xuống cất vó. Tôi và lũ bạn rượt đuổi nhau ở sân hợp tác những đêm trăng sáng. Thỉnh thoảng tôi chạy qua đống rơm trông chừng thằng Út. Chẳng sợ nó bị lạc hoặc lẻn đi chơi. Nó nằm im, miệng cười vu vơ. Nhiều lần tôi ngồi yên ngắm nó rồi tự hỏi: “Bé như cái kẹo, mày đang cười gì?”.

Nhiều năm trôi qua. Chất độc da cam đã không để cha tôi sống đến ngày thằng Út biết đi, biết kêu những tiếng rời rạc gọi mẹ, gọi chị. Chúng tôi, đứa tốt nghiệp đại học, đứa làm công nhân, đều xa nhà. Dù thằng Út đã lớn, nó chỉ quanh quẩn với đàn gà trong sân. Đói thì vào bếp kiếm cái ăn, đau thì khóc hoặc cười ngây ngô dưới mái hiên, thằng Út chưa đi quá ngõ nhà tôi. Những lần về quê, tôi mua áo quần, đồ chơi cho nó. Nó ôm chặt những thứ được cho, miệng rối rít “Kị, kị” (Chị, chị). Thằng Út rất thích tiền xu. Nó có một cái lọ bằng thủy tinh đựng tiền, cất kỹ trong chiếc rương gỗ cũ kỹ của mẹ. Đây là thứ quý giá nhất của nó. Nó thích mang ra khoe, nhưng ai hỏi xin thì nhất định không cho.

Công ty tôi giải thể. Đang đi làm, bỗng chốc thất nghiệp, tôi rơi vào trầm cảm. Ở tuổi gần 40, tôi không có nhiều cơ hội để kiếm việc làm. Buồn, nhưng tôi cố giấu chồng con. Các chị gái bận bịu, tôi không muốn mang chuyện của mình làm phiền ai. Những ngày chờ đợi xin việc, những cái lắc đầu từ chối, cảm giác mình là người vô dụng… làm tôi chán nản. Tôi đáp tàu về quê.

Gặp mẹ, nhìn lưng mẹ còng gập xuống và mái tóc bạc phơ, tôi không nỡ mở lời. Nhưng chuyện buồn không chia sẻ với ai thật nặng nề. Tôi ra vườn, ngồi thụp xuống gốc mít khóc. Tôi sẽ còn ngồi rất lâu nếu ai đó không ôm nhẹ vai tôi. Thằng Út. Nó cúi xuống đưa bàn tay ngắn cũn lau nước mắt cho tôi. Bàn tay nó vỗ lưng tôi âu yếm. Dắt tôi vào nhà, Thằng Út bê chiếc lọ thủy tinh đặt vào tay tôi. “Kị, kị”, nó nhìn tôi, tay huơ huơ như muốn nói: “Em cho chị đấy, chị đừng khóc nữa”. Tôi bật cười, thấy lòng nhẹ nhõm.

Ngày tôi lên đường, mẹ và Út tiễn ra đầu ngõ. Xe chuyển bánh, tôi còn kịp nhìn thấy thằng Út choàng tay ôm vai mẹ như che chở. Cử chỉ ấy làm ấm lòng tôi suốt chặng đường dài.

T.H (Vũng Tàu)


XEM THỂ LỆ CUỘC THI

XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT THAM DỰ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.