Thành Cha được đắp từ thế kỷ thứ 4 - 9

25/12/2016 09:46 GMT+7

Đó là nhận định được TS Lại Văn Tới (Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành) đưa ra trong buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành Cha (xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn, Bình Định) lần thứ 2 vừa tổ chức tại Quy Nhơn.

Trong đợt khai quật lần này, các nhà khoa học thuộc các đơn vị như Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành, Bảo tàng Bình Định và Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định tổ chức đào 4 hố. Hố khai quật đầu tiên được mở cắt ngang vòng thành ngoại phía bắc của thành Cha (diện tích 37,6 m2). “Niên đại của thành có 2 giai đoạn. Giai đoạn sớm khoảng thế kỷ 4 - 6, khi đó thành Cha còn thuộc châu Vijaya của người Chăm. Giai đoạn 2 là lớp thành được gia cố, niên đại khoảng thế kỷ 7 - 9, đây là thời kỳ đầu khi người Chăm dời đô từ Quảng Nam về Bình Định”, TS Lại Văn Tới nhận xét.
Hố khai quật thứ 2 (250 m2) và hố khai quật thứ 3 (150 m2) nằm tại khu vực gò Ông Tỵ. Hố thứ 4 là hố đào thám sát tại vị trí có tục danh là bờ Tề (12 m2) chỉ phát hiện được gạch, ngói... bị vỡ vụn. Theo TS Lại Văn Tới, kết quả khai quật trên gò Ông Tỵ cho thấy địa tầng khu di tích có 2 lớp văn hóa: Sa Huỳnh muộn ở dưới và lớp văn hóa Champa ở trên. “Qua địa tầng hố khai quật cho thấy gò Ông Tỵ là gò đất nhân tạo, được hình thành trong quá trình xây dựng các kiến trúc Champa ở đây. Trước khi khu vực này được người Chăm chọn để xây dựng các công trình kiến trúc đã có lớp cư dân Champa cư trú từ trước đó”, TS Tới nói.
TS Lại Văn Tới đề nghị tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn và tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thành Cha để hiểu biết cụ thể, đầy đủ hơn về kinh đô Vijaya và vai trò của nó trong lịch sử Vương quốc Champa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.