Thành cổ Biên Hòa cần được nhanh chóng trùng tu

29/11/2013 10:33 GMT+7

Thành cổ Biên Hòa vừa được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích cấp cấp gia. Tuy nhiên để di tích này xứng đáng hơn với giá trị lịch sử của nó thì cần phải nhanh chóng được trùng tu, tôn tạo. Bởi hiện nay di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Thành cổ Biên Hòa vừa được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích cấp cấp gia. Tuy nhiên để di tích này xứng đáng hơn với giá trị lịch sử của nó thì cần phải nhanh chóng được trùng tu, tôn tạo. Bởi hiện nay di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

 Thành cổ Biên Hòa 1
Một đoạn tường thành xây bằng đá ong thời vua Minh Mạng hiện vẫn còn

Theo Ban quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai (BQLDTDT), thành cổ Biên Hòa được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, là công trình phòng thủ quân sự của đất Biên Hòa, có niên đại khoảng 300 năm. Đây là ngôi thành cổ duy nhất còn sót lại trên đất Nam bộ, là công trình kiến trúc quân sự đặc sắc. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cũng như giai đoạn chống Pháp và Mỹ sau này.

 
Phương án trùng tu, tôn tạo thành cổ Biên Hòa đã được phê duyệt nhưng đang chờ nguồn vốn. Theo đó, sẽ tu bổ nhà cổ phía Tây Bắc, Đông Nam, hệ thống tường thành, các tháp canh, sân lễ hội, cây xanh, thảm cỏ... Kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.

Theo thư tịch cổ: “Thành cổ Biên Hòa được xây vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) với tên gọi là “Thành Cựu” do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây lại bằng đá ong và đổi tên là thành Biên Hòa.” Vào thời kỳ thực dân pháp đánh chiếm Biên Hòa, bọn chúng đã đập phá thu gọn chu vi thành còn 1/8 so với trước. Hào phía Đông được lấp đất xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương. Buổi sáng thường có lính thổi kèn báo thức nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn. Ngoài ra thực dân Pháp còn xây dựng thêm hai căn biệt thự cao 3 tầng với sàn gạch, mái ngói, vòm cuốn, hệ thống cửa thông gió nằm ở phía Tây Bắc và phía Đông Nam. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, hiện nay thành cổ Biên Hòa bị thu hẹp lại còn chừng 1 ha, trên đó còn sót lại ba đoạn tường thành, một chòi tháp canh cùng hai ngôi biệt thự thời Pháp. Vào năm 2008, di tích đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh và năm 2013 được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Xuống cấp nghiêm trọng

Sau giải phóng, di tích này được sử dụng làm kho hậu cần của Công an tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên chỉ sử dụng mặt trước còn hai căn biệt thự và khuôn viên thì bỏ hoang. Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc BQL DTDT tỉnh Đồng Nai nói: “Mặc dù biết đây là di tích lịch sử từ lâu nhưng đến khi tiến hành lập hồ sơ công nhận di tích thì lại vướng quy hoạch nên gặp rất nhiều rắc rối. Hồ sơ làm từ năm 2003 mà mãi đến 2008 mới xong, đây là bộ hồ sơ lâu nhất từ trước tới nay”.

 Thành cổ Biên Hòa 2
Kiến trúc, hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2008, khi thành cổ Biên Hòa được công nhận là di tích cấp tỉnh thì bên công an đã bàn giao lại cho BQLDTDT giữ gìn, bảo quản. Ông Dũng kể lại: “Lúc đó chúng tôi vào dọn dẹp chỗ này trên 100 xe tải rác, ngoài ra còn rà thấy vô số bom mìn. Hiện tại di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là căn biệt thự phía Tây Bắc; mái nhà mục nát, tường vữa bong tróc, có nhiều đoạn bị sập đổ, sàn gạch bị bong; cửa xiêu vẹo, nứt rớt ra khỏi bản lề; thang gỗ thì gãy nát không xài được, còn thang sắt cũng bị rỉ sét, hư hỏng gần như toàn bộ. Từ lúc tiếp quản tới nay chúng tôi đã nhiều lần đem bạt giăng trên nóc nhà để tránh nắng, mưa gây hư hại thêm những chẳng ăn thua gì.” Ông Dũng nói.

Bài, ảnh: Lê Lâm

>> Thành cổ Biên Hòa được xếp hạng Di tích quốc gia
>> Thành cổ Biên Hòa đang chờ sập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.