Thanh Hóa: Vướng mắc về quy định PCCC khiến hơn 100 doanh nghiệp ‘cầu cứu’

10/12/2022 14:21 GMT+7

Hơn 100 doanh nghiệp đã có đơn gửi Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa để kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa xin “ nhẹ tay ” sau khi bị kiểm tra, xử lý về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

“Xin” giảm mức tiền phạt, giãn thời gian xử lý

Sáng 10.12, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục diễn ra phần thảo luận tại hội trường.

Nhiều nội dung, vấn đề quan trọng, vấn đề còn vướng mắc đã được các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa nêu ra, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng quan tâm, xử lý.

Ông Cao Tiến Đoan nêu các kiến nghị của doanh nghiệp, xin giảm tiền phạt cho doanh nghiệp do vi phạm công tác PCCC

Minh Hải

Đáng chú ý, trong phần thảo luận của mình, đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã nêu thực trạng rất nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sau khi bị kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), do hệ thống PCCC đầu tư chưa đồng bộ.

Theo ông Đoan, vừa qua, hơn 100 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp tây bắc Ga (TP.Thanh Hóa) đã gửi đơn đến Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, và hiệp hội đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa “xin” giảm nhẹ mức tiền xử phạt vi phạm hành chính về công tác PCCC và giãn thời gian khắc phục, hoàn thiện công trình PCCC cho các doanh nghiệp vi phạm.

“Ở Khu công nghiệp tây bắc Ga có hơn 100 doanh nghiệp gửi đơn đến hiệp hội, và hiệp hội đã có tờ trình gửi tỉnh. Trong hơn 100 doanh nghiệp thì có 72 doanh nghiệp vừa rồi bị kiểm tra về công tác PCCC, và trong đó có gần 40 doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đảm bảo quy định về PCCC”, ông Đoan cho hay.

Sớm đầu tư đường dẫn nước PCCC

Ông Đoàn cũng cho biết trong các nguyên nhân dẫn tới nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành hệ thống PCCC là do chưa có hệ thống đường dẫn nước riêng để các doanh nghiệp đấu nối đường dẫn nước.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Minh Hải

“Doanh nghiệp ý thức được quy định về PCCC, và doanh nghiệp có sai. Nhưng khi làm hạ tầng, trước đây chưa chú trọng đường dẫn nước riêng cho PCCC, nên khu công nghiệp tây bắc Ga thiếu đường dẫn nước riêng. Bây giờ mà bắt doanh nghiệp làm bể chứa, làm xong rồi không có đường đấu nối thì rất khó cho doanh nghiệp, không có đường đấu nối. Nếu mà đóng cửa, nếu phạt theo quy định các doanh nghiệp ở khu tây bắc Ga như thế thì doanh nghiệp rất khó khăn, mất công ăn việc làm, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, ông Đoan cho hay.

Do đó, trước HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Đoan đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, các cấp, các ngành xem xét, kéo lùi thời gian hoàn thành các công trình về PCCC, giảm mức tiền phạt do vi phạm về công tác PCCC.

“Chúng tôi đề nghị chỉ đạo thi công đường dẫn nước để có điểm đấu nối hoàn thành hệ thống PCCC cho doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị giảm tiền phạt, giờ phạt đến hàng trăm triệu đồng, trong khi nhiều doanh nghiệp rất nhỏ. Nên nới lỏng, không nên đóng cửa sản xuất, vì đóng cửa thì mất việc của người lao động, mà lao động họ đi kiếm công việc khác, khi doanh nghiệp phục xong hệ thống PCCC thì không còn lao động nữa”, ông Đoàn nói thêm.

Ông Đoan cũng khẳng định rằng công tác PCCC phải thực hiện tốt, chủ trương siết chặt, đẩy mạnh PCCC trong sản xuất là rất tốt.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14.11, các đơn vị chức năng đã kiểm tra an toàn về PCCC đối với 19.256 đơn vị. Qua kiểm tra, phát hiện 1.434 vi phạm, phạt tiền hơn 8,8 tỉ đồng, tạm đình chỉ hoạt động 98 cơ sở, và đình chỉ hoạt động 8 cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.