Thanh lọc cổ phiếu lên sàn

15/11/2008 22:55 GMT+7

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) chuẩn bị lên sàn trong thời gian tới đang khiến cho các nhà đầu tư (NĐT) vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có thêm nhiều hàng hóa tốt để lựa chọn nhưng lo vì thị trường có thể sẽ bị "lụt" vì lượng cổ phiếu (CP) mới quá lớn này. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản "thanh lọc" các CP lên sàn.

Trong công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC), UBCKNN yêu cầu 2 sàn này cân nhắc kỹ lưỡng trước những hồ sơ đăng ký niêm yết CP từ nay đến cuối năm. Theo đó, đối với các DN có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tới hết quý III/2008 bị lỗ hoặc không có trích lập dự phòng theo quy định, HOSE và HASTC phải cân nhắc, thẩm định kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết, tạm ngừng xem xét hồ sơ cho đến khi có kết quả kinh doanh quý IV/2008. Lý giải cho việc thắt chặt hơn các điều kiện đối với DN đăng ký niêm yết chứng khoán, UBCKNN cho biết, trong tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế đang có nhiều diễn biến bất lợi, việc thắt chặt hơn các điều kiện lên sàn đối với DN nhằm tăng cường sự minh bạch trên thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi cho các NĐT, tránh những tác động xấu đến CP của DN sau khi niêm yết.Vừa qua, kể cả trong những thời điểm thị trường khó khăn, vẫn có rất nhiều DN mới niêm yết trên cả 2 sàn như Tổng CTCP xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (mã VCG) lên sàn HASTC với vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng; CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) vốn điều lệ 190 tỉ đồng lên HOSE... Đặc biệt, chỉ từ đầu tháng 11 tới nay, nguồn cung trên thị trường đã tăng vọt với 500 triệu CP của Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVF) và một số DN niêm yết mới. Dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng thêm ít nhất khoảng 8.000 - 9.000 tỉ đồng theo mệnh giá từ nay tới cuối năm. Nguồn cung quá lớn trong khi cầu lại giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và sự dè dặt của NĐT trước việc nhiều DN lỗ nặng trong quý 3 vừa qua sẽ tác động tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn. Còn nhớ trước thời điểm lên sàn của PVF, một số NĐTđã lo lắng bán CP mình đang nắm giữ bởi lo sợ thị trường sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi “cơn lũ” PVF. Điều này cũng dễ hiểu, nhất là trong lúc VN-Index hết sức mong manh, hầu hết các CP mới đều giảm giá hết biên độ cho phép trong ngày chào sàn.

Với yêu cầu trên của UBCKNN, cánh cửa lên sàn của nhiều công ty sẽ tạm thời bị khép lại bởi những ngày cuối mùa báo cáo tài chính quý 3, tình trạng các công ty thua lỗ ngày càng nhiều. Nhiều công ty tuy có lãi nhưng cũng phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Ông Huy Nam, chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng, đây chỉ là biện pháp có tính chất tình thế bởi việc một DN lỗ một quý chưa thể nói lên điều gì. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều DN đang đứng trước cơn khủng hoảng, nếu bị lỗ trong quý 3 thì rất có thể cũng sẽ lỗ trong quý 4. Nếu cứ cho hết lên sàn thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, động thái của UBCKNN có thể coi như một giải pháp thanh lọc bớt những DN đang hoạt động kém hiệu quả để giảm thiểu các ảnh hưởng không tốt cho thị trường trong tình hình khó khăn hiện nay.

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia tài chính tại TP.HCM cũng cho rằng, quy định này sẽ loại ra những DN muốn niêm yết nhưng không có kết quả kinh doanh tốt. "Việc ra công văn đột ngột như hiện nay có thể chấp nhận được bởi thị trường trong nước đang bị tác động ngoài mong đợi bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới" - ông Chí nói.

Nguyễn Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.