Tôi gặp Thành tại nhà riêng, nơi anh sống cùng 2 con mèo. Thành nói anh thích nuôi mèo vì chúng là loài vật muốn được vuốt ve, nhưng lại ưa sống độc lập. Người Thành được “vẽ” bằng những hình xăm, tai đeo khuyên, đầu cạo trọc - những điều mà có thể khiến ai đó chưa quen nghĩ anh là người ưa “nổi loạn”, nhưng thực ra đến nhậu Thành còn chả biết. Thành luôn đi ngủ lúc 10 giờ tối, dậy lúc 6 giờ sáng. Anh có thời gian biểu rõ ràng hằng ngày dành cho việc ăn cơm đúng giờ, ngủ đúng giấc, chạy bộ, tập luyện và nghiên cứu. “Ngày hôm nay mình sống, nhưng ngày mai thì chưa biết thế nào. Vì thế, tôi luôn tiếc thời gian và không muốn bỏ phí vàonhững việc vô ích”, Thành lý giải.

Trong cuộc trò chuyện, có lúc Thành không thể diễn đạt được hết ý mình muốn nói. Thành bảo, với anh, khi ngôn ngữ nói bất lực thì ngôn ngữ cơ thể sẽ lên tiếng.

Show cá nhân đầu tiên Thán 2 của anh dự kiến diễn ra vào tháng 5, nhưng do dịch Covid-19 nên đến sát ngày diễn đã phải hoãn lại. Tâm trạng của anh thế nào?

Tôi thấy bình thường, chẳng vui cũng chẳng buồn. Tôi nghĩ tác phẩm nào cũng có số phận. Và khi mọi việc đến thì mình chấp nhận.

Cũng may, tôi được bạn bè và anh chị em trong ê kíp của Thán nhiệt tình hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhà hát tôi thuê địa điểm làm chương trình cũng rất thông cảm nên tôi không mất nhiều phí tổn. Năm sau, có tiền thì tôi sẽ lại làm. Còn chưa có thì sẽ chờ tiếp!

Từ Thán 1 đến Thán 2, anh tiếp tục lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng. Đó là sự ngẫu nhiên hay chủ ý của anh?

Đầu tiên đó chỉ là ngẫu nhiên vì tôi luôn muốn làm những thứ liên quan đến nghệ thuật truyền thống. Với tôi, phải hiểu về nơi mình sinh ra mà ở đây là văn hóa, nghệ thuật thì mới làm được những điều mình muốn. Về sau, có dịp tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ mang suy nghĩ và tầm nhìn rộng mở, tôi học hỏi được thêm nhiều điều. Rồi càng nghiên cứu về âm nhạc, nghệ thuật truyền thống, tôi lại càng thấy thích.

Vì sao lại là tuồng thì tôi không biết, giống như yêu ai đó nếu biết vì sao yêu thì đã không yêu. Tuồng cứ tự nhiên hút tôi. Cũng có thể trong tuồng có những yếu tố liên quan đến chủ đề mà tôi quan tâm nhiều trong sáng tạo là tôn giáo, hay thần thoại, cả những điều huyền bí nữa. Sau tuồng, tôi đã nghĩ đến hầu đồng.

Việc kết hợp nghệ thuật truyền thống mang lại lợi thế cho anh khi biểu diễn?

Tôi nghĩ chính việc này đã tạo nên màu sắc cá nhân của mình. Tôi nhớ có những lần diễn ở nước ngoài, không ít khán giả hỏi tôi làm múa ở Nhật, Hàn Quốc, hay Trung Quốc à? Những câu hỏi đó càng khiến tôi muốn làm với nghệ thuật truyền thống của VN nhiều hơn.

Anh thường tập trung vào những chủ đề nào trong sáng tạo?

Tôi hay mượn những câu chuyện của tôn giáo, hay thần thoại. Chẳng hạn như cuộc chiến đấu giữa các vị thần với quái vật, nhưng là nói đến cuộc chiến đấu của con người trong nội tâm mình. Đó không phải là cuộc chiến giữa thiện và ác, đúng và sai, cũng như các mặt đối lập khác. Ở đó cũng không có cái gì chiến thắng cái gì. Mà đích đến là để con người thấy được tự do trong tâm trí mình.

Tôi cảm thấy con người có rất nhiều nỗi sợ. Ngay như trong nhiều gia đình, bố mẹ lúc nào cũng giáo dục con cái là phải làm cái này, cái kia vì gia đình, vì bố mẹ mà ít khi nói là con phải vì bản thân mình... Những cái đó có thể làm nên những nỗi sợ của con người: sợ xã hội đánh giá, sợ bố mẹ mắng. Rồi con người cũng đối mặt với cả những nỗi sợ tác động đến cuộc sống, như sợ không có tiền chẳng hạn. Để vượt qua những nỗi sợ, với tôi, con người cần sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.

Th ực ra, khi sáng tạo tác phẩm, tôi không nói rõ chủ đề chính mà luôn xây nên một thế giới để mỗi khán giả bước vào và tự trải nghiệm bản thân, tự tạo
nên câu chuyện của chính họ. Tôi không bao giờ muốn áp đặt khán giả phải theo câu chuyện của mình. Mỗi con người có một cuộc sống, nên cần tự suy nghĩ, trải nghiệm, và cần tìm được triết lý sống của chính bản thân mình. Nếu tác phẩm chỉ mang đến trải nghiệm cảm xúc buồn, vui thì với tôi là chưa đủ.

Chẳng có mấy nghệ sĩ múa dám bỏ tiền để làm show như anh. Điều gì đã thôi thúc anh vậy?

Không ai làm thì mình phải làm thôi. Tôi nghĩ, việc mình làm có thể tạo cảm hứng cho những bạn đồng nghiệp và cả thế hệ đi sau. Mình phải làm thì còn có cái để họ nhìn vào họ dám làm hơn, dám thử thách hơn và bớt đi những nỗi sợ.

Những nghệ sĩ theo múa đương đại hiện nay như thế nào?

Có những bạn ra trường muốn theo nhảy múa đương đại, nhưng sau đấy phải dừng lại bởi vì không kiếm được tiền, nuôi được nghề, sống với đam mê. Một diễn viên múa có khi ban ngày tập luyện, tối đến đi nhảy ở bar hay vũ trường để kiếm tiền, thì làm sao giữ được dáng, đầu óc dễ chịu mà làm nghề. Trong khi ngoài mặt cơ thể ra, nhảy múa đương đại là nhảy múa từ bên trong nhiều hơn, nên cần tư duy, đầu óc phải có thời gian suy nghĩ. Họ cứ phải đi diễn như vậy, đầu óc khó giữ được và cảm giác cơ thể cũng dễ mất đi nữa.

Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành trong tác phẩm Thán (2019) do anh tự biên đạo và trình diễn. ẢNH: HOANG MIDAS 2

Vậy rõ là anh có điều kiện kinh tế thuận lợi để theo nghề với múa rồi cả làm show?

Thuận lợi hay không là do người ngoài nhìn vậy thôi. Còn trong cuộc sống ai cũng có những vấn đề của mình. Tôi cũng thường xuyên thấy nản hay lung lay khi đi theo con đường này. Nhưng sau những lần như thế thì tôi lại thấy mọi thứ đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như lúc mình có tiền thì mình ăn ngon, còn lúc không có thì thôi có gì ăn nấy.

Hồi xưa tôi cũng đã thử cùng bạn mở cửa hàng quần áo, quán cà phê, nhưng thấy chẳng hợp làm việc đó. Tôi thấy mình chả làm được gì ngoài nhảy múa cả, thì thôi đành nhảy múa vậy! Khi nhảy múa tôi thấy mình đúng là mình.

Anh có thường xuyên biểu diễn không?

Tôi rất ít khi biểu diễn trong nước vì chả ai mời cả. Tôi chỉ thường tham gia những dự án của nước ngoài và đi lưu diễn. Họ trả công xứng đáng cho nghệ sĩ, nên ở VN, với số tiền thù lao đó, mình cũng ổn để trang trải cuộc sống nếu chi tiêu vừa phải và còn có thể tích cóp để làm chương trình.

Nhưng đó là khoảng thời gian trước dịch. Còn khi dịch đến, tôi vẫn nói đùa là mình thất nghiệp đã 2 năm nay. Tôi không làm gì cả. Dù vậy, thời gian rảnh này cũng tốt, mình có thời gian nghiên cứu nhiều hơn, đọc nhiều hơn, tập nhiều hơn, chuẩn bị cho những tác phẩm sau này

Anh có chờ đợi môi trường biểu diễn trong nước sẽ thay đổi?

Tôi không chờ đợi mà nghĩ đó là việc mình phải làm. Tôi nghĩ mình không nên chờ đợi điều gì và cũng không nên hy vọng điều gì. Mình muốn thì mình tự làm thôi!

Anh có học trò nào không?

Tôi nghĩ là mình không có học trò. Tôi muốn chia sẻ điều mình biết cho mọi người. Người nào thấy thích, vui với nhảy múa thì cứ tập cùng tôi thôi.

Tôi không ép ai theo cách của mình, mà chỉ giúp mọi người mở hơn trong suy nghĩ. Bởi mỗi người có con đường riêng, có cách làm riêng, chỉ là chia sẻ với nhau, cùng nhau phát triển. Tôi rất thích những bạn cùng làm Thán 2 với tôi. Họ trẻ, “máu” và có tư tưởng riêng.

Vậy là con đường của anh không còn độc hành vì có người đi cùng?

Thực ra độc hành trong tư duy tốt cho nghệ sĩ. Tôi nghĩ nghệ sĩ phải quen với việc cô đơn, quen với việc một mình thì mới sáng tác được. Cô đơn ở mặt bên ngoài là mình có thời gian của mình để suy nghĩ, cảm nhận về những thứ xung quanh. Còn cô đơn ở bên trong mà như tôi đã nói, có những điều mình nghĩ nhưng không chia sẻ được với ai, thì mình cứ suy nghĩ về điều ấy, nhưng việc đó lại giúp mình phát triển cách suy nghĩ, phát triển cách tư duy, góc nhìn, và cảm xúc cá nhân - những điều cần thiết cho việc sáng tác của nghệ sĩ.

Nhưng anh có sợ sự cô đơn khi khán giả chưa đón nhận tác phẩm của mình?

Tôi không sợ điều đấy. Vì tôi nghĩ khán giả rất thông minh, họ giỏi hơn mình nhiều. Có thể về kỹ thuật, kỹ năng thì nghệ sĩ giỏi hơn, nhưng về mặt cảm thụ nghệ thuật thì chưa biết ai hơn ai. Việc mình đưa ra tác phẩm mà khán giả chưa cảm nhận được là do mình chưa đủ giỏi thôi.

Khi múa, anh cảm thấy thế nào?

Hạnh phúc - đó là cảm giác như được trở về nhà, bình yên đến lạ!

Anh còn điều gì muốn chinh phục?

Tôi không nghĩ thế. Tôi chỉ muốn làm nghề thôi!

Xin cảm ơn anh!

Báo Thanh Niên
14.11.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.