Thanh Tòng và nỗi oan “mất gốc”

13/05/2009 23:25 GMT+7

Nói đến NSND Thanh Tòng là nói đến cả một dòng họ của ông bầu Thắng lừng danh đã để lại cho sân khấu khoảng 30 người con, cháu, hiện là nghệ sĩ tên tuổi trong làng sân khấu. Vậy mà đã có lúc Thanh Tòng muốn bỏ nghề trước những định kiến về bộ môn nghệ thuật do ông chủ trương sáng lập - cải lương tuồng cổ.

3 tuổi, Thanh Tòng đã lên sân khấu hát bội của ông nội mình (bầu Thắng) trong vở Hoàng Phi Hổ quy ChâuSan Hậu. Gánh hát hồi ấy đóng đô ở đình Cầu Quan (khu Cầu Muối, quận 1, TP.HCM), nhưng cũng lang bạt kỳ hồ theo mùa chầu tứ xứ.

Lên sân khấu được vài tuồng là Thanh Tòng... ghiền luôn, và tiếp tục theo học múa, hát với các cô chú. 10 tuổi, ông chính thức theo nghề, rồi 11 tuổi nổi tiếng “thần đồng” trên sân khấu cải lương hồ quảng do báo Tiếng Dội bình chọn. Thế cho nên mới học lớp 7 ông đã nghỉ ngang, bởi mê hát đến nỗi hôm nào cũng đi học trễ, bà mẹ phải vô năn nỉ thầy giáo hoài, chịu sao thấu. Ông đã có khung trời tuổi thơ sau cánh màn nhung, quá say mê, quá lung linh, quyến rũ...

 Tôi tủi thân quá, bị tâm bệnh, muốn bỏ nghề, có khi còn muốn tự tử luôn. Nhưng rồi ráng nhẫn nhịn, im lặng mà đi tới.

NSND Thanh Tòng

Từ hát bội tới hồ quảng là bước đi của ông bầu Minh Tơ (cha của Thanh Tòng) và người em rể - NSND Thành Tôn (cha của Thành Lộc). Hồi ấy làn sóng phim ảnh nước ngoài và làn sóng tuồng Đài Loan, Triều Châu, Quảng Đông với những giai điệu lạ “nhập khẩu” qua Việt Nam đã chinh phục khán giả khá nhiều. Đài truyền hình Sài Gòn muốn có một chương trình cải lương tuồng Tàu như thế để thường xuyên phát sóng, nên hai ông Minh Tơ và Thành Tôn bàn nhau thực hiện. Nhưng hai ông cũng không hẳn giữ nguyên bài bản ngoại nhập ấy, mà chen vào những vũ đạo, những trình thức của hát bội, và những giai điệu của cải lương, vì vậy mới có tên là “cải lương hồ quảng”. Khi Thanh Tòng 20 tuổi, ông bắt tay viết kịch bản, toàn đưa truyện Việt Nam vào nội dung, như Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Triệu Thị Trinh, An Dương Vương... coi như “nội hóa” thêm một phần nữa. Rõ ràng loại hình này có một sức sống khá mạnh mẽ, được khán giả đón nhận nhiệt tình không thua gì cải lương truyền thống.

Nhưng cột mốc nghệ thuật của Thanh Tòng có lẽ là giai đoạn sau giải phóng, giai đoạn làm nên vinh quang và lẫn cay đắng nhất đời ông.

Năm 2007 Thanh Tòng được phong Nghệ sĩ Nhân dân

Những kịch bản sáng tác tiêu biểu: Dưới cờ Tây Sơn, Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tờ mật chỉ, Hoàng hậu không ngôi...

Đoạt 4 huy chương vàng và 6 huy chương bạc trong các lần hội diễn sân khấu toàn quốc. 3 lần đoạt giải Mai Vàng.

Các nhân vật mà ông từng tâm đắc trong thời gian cộng tác với Đoàn 284: Võ Minh Thành (vai mùi - vở Đời cô Lựu), Chu Phác Viên (vai độc - vở Lôi Vũ), cậu Tân (vai hài - vở Tô Ánh Nguyệt).

Ông thú thật: “Trước giải phóng, tôi hầu như chỉ bó hẹp tầm mắt trong đình Cầu Quan, và nhận thức cũng không đi xa hơn đời anh kép hát với những tích tuồng xưa cũ. Tôi bỏ học sớm, nhưng may là mê đọc sách, nên khi giải phóng về được theo những khóa tập huấn, các trại sáng tác, tôi đã bắt ngay với nhịp sống mới, tri thức mới. Tôi được tiếp xúc với những bậc thầy cải lương có trình độ lý luận và tay nghề chính quy, đầu óc tôi như vỡ ra, mới mẻ. Tôi cũng có tự ái dân tộc, nên quyết tâm loại bỏ dần những gì của người ngoài, đem những gì của mình vào nghệ thuật, làm nên một loại hình vừa kế thừa vừa khác hẳn so với cải lương hồ quảng của ba tôi”.

Ông lao vào viết tuồng, chủ yếu là lịch sử, với các nhân vật Nguyễn Huệ, Trần Quốc Toản, Tô Hiến Thành, Hồ Huân Nghiệp, công chúa An Tư... Và ông gần như bỏ hết nhạc Đài Loan, mà thay vào những giai điệu mới. Thật ra, đây là những giai điệu do chú của ông - nhạc sĩ Đức Phú - sáng tác cho các vở trước kia, được nghệ sĩ lẫn khán giả ưa thích. Ông lấy ra để làm luôn thành “bài bản”, chỉ cần thay lời mới vào là xong. Ai cũng tưởng nó là một cấu trúc nhất định, có sẵn, như các bài bản khác trong cải lương. Một số bài ngoại nhập thì vẫn giữ, nhưng ông cho ngân nga, luyến láy khác đi, mang âm hưởng Việt rõ hơn. Và ông còn bỏ luôn các vũ đạo của Đài Loan, thay vào những động tác múa rất riêng. Ông vừa viết, vừa dựng không biết bao nhiêu tuồng, định hình hẳn một thể loại, được Nhà nước đổi tên là “cải lương tuồng cổ”. Ông nhấn mạnh: “Xin đừng quên trước chữ tuồng cổ là chữ cải lương. Tôi vẫn lấy cải lương làm gốc”.

Và công lao của ông còn ở chỗ đã thành lập được một nhóm hát thường xuyên, gây quỹ xây dựng nhà truyền thống sân khấu ở số 33 Cô Bắc (Q.1, TP.HCM) nhờ đó đưa nhiều diễn viên lên thành “ngôi sao” nổi tiếng rất nhanh như Ngọc Đáng, Hữu Lợi, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Vân Hà, Chí Linh, Thoại Mỹ... Thật sự thập niên 80, 90 (thế kỷ 20) cải lương tuồng cổ chiếm lĩnh sân khấu lẫn video, các ngôi sao chạy sô không kịp thở và cát-sê cao ngất trời. Có cả những ngôi sao trước kia cũng tham gia tuồng cổ như Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu...

Nhưng nỗ lực của Thanh Tòng vẫn chưa được công nhận. Đây đó vẫn còn nghe người ta xì xầm là “lai căng”, “mất gốc”. Ông tức quá, bèn gửãi băng tư liệu lên Trung tâm Nghiên cứu cải lương của TP.HCM, quy tụ nhiều nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn uy tín, nhờ họ nghiên cứu, đối chiếu xem có phải là tuồng cổ đã khác xa hồ quảng hay không. Ông nói: “Tôi tủi thân quá, bị tâm bệnh, muốn bỏ nghề, có khi còn muốn tự tử luôn. Nhưng rồi ráng nhẫn nhịn, im lặng mà đi tới”.

Sự im lặng của ông giờ đã được đền bù. Sân khấu công nhận, khán giả vẫn vỗ tay sau từng đêm diễn của ông. Thế là còn kịp.

Ông thương nhất là người vợ hiền đã cùng ông sát cánh chịu đựng khó khăn, không than thở, không ghen tuông, ngày ngày đạp xe đạp chở con đi học, lo hết gánh nặng gia đình cho ông say mê sáng tác. Nay căn nhà đã khang trang, cậu con trai đầu là Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế của FPT, còn cô con gái Quế Trân thì nổi tiếng không kém gì cha. Hai cha con thỉnh thoảng vẫn hát chung sô, không thì Quế Trân hát riêng, làm MC cho nhiều chương trình. Thật là một gia đình nghệ sĩ hạnh phúc.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.