TNO

Tháo khoán

19/06/2011 00:54 GMT+7

Chuyên viên các bộ môn của 11 sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL đã có cuộc họp ra “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011” làm nhiều người ngạc nhiên.

Thực chất đây là thỏa thuận nâng điểm cho học sinh đỗ tốt nghiệp!

Một điều đáng đặt dấu hỏi nữa, nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa năm nay tiếp tục có sự bứt phá một cách ngoạn mục về kết quả tốt nghiệp, thậm chí có nơi còn cao hơn so với các khu vực đô thị. Đặc biệt đối với kết quả của học sinh hệ giáo dục thường xuyên ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều tăng cao chóng mặt.

Theo các chuyên gia giáo dục, từ việc đề thi các môn quá dễ cộng với sự kiện "thỏa thuận" của ngành giáo dục ở ĐBSCL được phơi bày trên đây, cho thấy hiện tượng tháo khoán để học sinh đỗ tốt nghiệp ở một số địa phương là có thật.

Dư luận còn đặt vấn đề đến các khu vực khác trong cả nước cũng có thể "thỏa thuận" như ở các tỉnh ĐBSCL. Hơn thế nữa, theo một số giám đốc sở GD-ĐT ở ĐBSCL, Bộ GD-ĐT đã cho phép bằng văn bản hẳn hoi. Điều đáng chú ý, thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT cũng tham dự cuộc "thỏa thuận" này. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn cho rằng, tại sao Bộ GD-ĐT lại cho phép riêng khu vực ĐBSCL "thỏa thuận"!

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay đánh dấu việc thi cử cấp quốc gia quay về… từ đầu. Sở dĩ nói như vậy là có cơ sở. Nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT trước năm học 2006 - 2007 cũng có tỷ lệ ngất ngưởng như hiện nay. Khi đó, Bộ GD-ĐT thấy rằng cần phải tiêu diệt bệnh thành tích nên đã đưa ra cuộc vận động "hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), thì ngay trong kỳ thi tốt nghiệp năm đó, có rất nhiều trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp là 0%. Và rồi chỉ duy nhất 1 năm mà thôi, đâu lại vào đấy. Căn bệnh thành tích tái phát để đạt tỷ lệ... 100%.

Rất tuyệt vời nếu những con số trên là thật. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Bệnh thành tích trong thi cử làm xuống cấp nền giáo dục hiện tại. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hằng năm đã không phản ánh đúng thực chất của học sinh. Vì chất lượng thấp mà lại muốn có thành tích cao nên phải "thỏa thuận" nâng điểm. Một chuyên gia giáo dục cho rằng nếu tình trạng này diễn ra kéo dài thì sẽ không đánh giá đúng thực chất để nhận ra nhân tài tiếp tục bồi dưỡng thành những tài năng cho quốc gia, đồng thời phát hiện ra những mặt yếu của học sinh để uốn nắn, giúp đỡ và điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp. Mặt khác, học sinh không cần phải chuyên tâm học, thầy giáo không cần đầu tư suy nghĩ trong giảng dạy, quản lý chỉ đạo không cần sát sao, giáo dục vẫn được khen ngợi về thành tích tốt nghiệp.

Thi cử ai cũng đậu, vậy thì thi để làm gì? Lại một lần nữa khiến dư luận đặt yêu cầu với ngành GD-ĐT, rằng đã đến lúc phải thay đổi cách tổ chức kỳ thi này để tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng ngân sách, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh... Rõ ràng, một kỳ thi cấp quốc gia vô cùng tốn kém, nặng nề, hình thức và tạo áp lực căng thẳng cho học sinh, nhưng cuối cùng thì... huề cả làng.  

Võ Ba

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.