Thắp sáng 'thánh đường cải lương'

Tố Tâm
Tố Tâm
26/12/2018 07:16 GMT+7

Sở VH-TT TP.HCM đã có chỉ đạo thực hiện thí điểm sáng đèn thường xuyên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ tháng 12.2018. 'Thánh đường cải lương' một thời hi vọng sẽ lại được thường xuyên thắp sáng.

Sở VH-TT TP.HCM đã có chỉ đạo thực hiện thí điểm sáng đèn thường xuyên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ tháng 12.2018. “Thánh đường cải lương” một thời hy vọng sẽ lại được thường xuyên thắp sáng.

Thu hút khán giả bằng kịch bản hay

“Sở đã chỉ đạo Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây dựng kế hoạch thí điểm để sáng đèn thường xuyên. Từ tháng 12 này bắt đầu những suất diễn đầu tiên, sắp tới nhà hát sẽ phục vụ khán giả với những kịch bản nổi tiếng như Đời cô Lựu, Trà hoa nữ…”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT, cho biết.
Tối 8.12, Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã mở màn vở Tìm lại cuộc đời (tác giả: Huy Lam - Hoàng Khâm - Điêu Huyền; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: Võ Thành Phê, Tô Tấn Loan, Lê Thanh Thảo, Diễm Kiều… Tối 29.12 tới đây, vở cải lương nổi tiếng của soạn giả Trần Hữu Trang Tô Ánh Nguyệt (đạo diễn: Phan Quốc Kiệt - Mỹ Hằng) cũng sẽ được Đoàn 2 của nhà hát ra mắt khán giả qua diễn xuất của các nghệ sĩ, trong đó có nhiều Chuông vàng vọng cổ, như Thu Vân, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Thanh Toàn, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Lam Tuyền, Phùng Ngọc Bảy…
Ngay sau đó, vào tối 30.12, Đoàn 3 của nhà hát cũng sẽ diễn vở Máu nhuộm sân chùa (tác giả: Yên Lang, đạo diễn: Lê Trung Thảo), với dàn diễn viên hùng hậu như NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm, Chuông vàng vọng cổ Minh Trường, Á quân Đường đến danh ca vọng cổ Nhã Thy, Thy Phương, Hà Như… Đây đều là những vở cải lương nổi tiếng, được nhiều khán giả yêu thích từ trước đến nay nên hy vọng sẽ thu hút nhiều khán giả đến với nhà hát.
Ngoài ra, vở Giấc mộng đêm xuân (tác giả: Nhị Kiều - Phi Hùng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) do nhà hát dàn dựng, vừa công diễn tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM) vào tối 20.12 trong chuỗi sự kiện tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, cũng dự kiến sẽ tái diễn với khán giả tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào đầu năm tới.

Tìm lại “thánh đường cải lương” một thuở

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng trên nền rạp Hưng Đạo cũ, vốn được xem là “thánh đường cải lương” của Sài Gòn xưa. Trong thời kỳ cải lương phát triển rực rỡ, rất nhiều đại bang, đoàn hát, các nghệ sĩ tên tuổi cải lương từng gắn bó với rạp hát này. Cho đến giai đoạn cải lương thoái trào, nhiều rạp hát cải lương đã chuyển đổi công năng thì rạp Hưng Đạo vẫn được xem là “thánh đường cải lương” cuối cùng ở TP.HCM khi còn duy trì các suất hát dù cơ sở vật chất đã xuống cấp. Năm 2013, rạp Hưng Đạo được đập đi xây lại với kinh phí đầu tư
132 tỉ đồng. Giới nghệ sĩ cũng như khán giả mong chờ một cơ ngơi khang trang, hiện đại mới sẽ giúp nhà hát cải lương hoạt động mạnh mẽ hơn xưa.
Tuy nhiên, sau khi rạp hát mới được bàn giao, nhiều người ngỡ ngàng với nhiều lỗi thiết kế sân khấu như sàn diễn nhỏ, trần thấp… mà nói như NSƯT Kim Tử Long: “Nhà hát giờ đây giống như một hội trường hơn là rạp hát, số lượng ghế quá ít không đủ thu hồi vốn sau các suất diễn”. NSƯT Thanh Tuấn cũng từng tâm tư: “Khán giả muốn tìm chỗ đi xem cải lương bây giờ khó quá. Trước đây còn có rạp Hưng Đạo. Đến khi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây xong thì vì nhiều lý do đã không thể sáng đèn thường xuyên, đây là điều thực sự đáng buồn cho cả giới nghệ sĩ và khán giả”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT, cho biết: “Ở cấp độ quản lý, sở cũng đã có những đề án, giải pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương trong giai đoạn tới như tham mưu lãnh đạo thành phố để ban hành đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của đờn ca tài tử; phối hợp với ngành giáo dục trong xây dựng mô hình sân khấu học đường…”.
Cùng nỗi lo về thiết kế xây dựng sân khấu chưa hợp lý liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch biểu diễn của nhà hát, ông Phan Quốc Kiệt, Phó giám đốc nhà hát, cho hay: “Chúng tôi cố gắng tận dụng những gì đang có, thiết kế sân khấu các vở sẽ được sắp xếp, vận dụng cảnh trí sao cho phù hợp với hiện trạng không gian sân khấu. Chúng tôi đang chuẩn bị sắp xếp lịch diễn cho tháng đầu năm và dịp tết, sẽ sớm công bố với khán giả trong thời gian tới”.
Với sự quan tâm của cơ quan quản lý và tâm huyết của người làm nghề, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang được hy vọng sẽ sáng đèn thường xuyên, tạo động lực làm nghề cho các nghệ sĩ, đồng thời gây dựng lại một điểm đến xem cải lương quen thuộc cho khán giả trong thành phố, thắp sáng lại “thánh đường cải lương” một thời vang bóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.