|
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại hiện trường, bờ sông Trường đoạn chảy qua khu vực cư trú của 13 hộ bị sạt lở nặng nề. Có nơi nhà bếp, nhà chăn nuôi bị sạt sâu xuống lòng sông, nhiều nhà khác lại trơ móng lòi cả bê tông cốt thép. Theo báo cáo của UBND H.Phước Sơn, từ tối ngày 14 -15.11.2013, trên địa bàn có mưa rất to, lượng nước chảy về thủy điện Đăk Mi 4 rất lớn. Trước tình hình này, BQL dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu (xã Phước Hiệp), cao nhất lên đến 714m3/giây khiến bờ sông Trường, đặc biệt tại khu vực thôn 3 và 11 bị sạt lở nghiêm trọng. Theo đó, số nhà dân ở bị sạt lở là 13 nhà, trong đó thôn 3 có 9 nhà bị sạt lở hư hỏng; thôn 11 có 4 nhà. Chỉ tay về phía trại chăn nuôi đã chìm nghỉm dưới đáy sông, ông Phạm Văn Lộc (50 tuổi) than, trước đây không hề có tình trạng này nhưng từ khi có thủy điện dòng sông này mới bắt đầu hung dữ. “Trước đây có mưa lớn, lũ lớn thế nào cũng không xảy ra sạt lở. Vậy mà vào ngày 15.11, không biết nước lũ từ đâu đổ về cuốn phăng cả trại chăn nuôi rộng hơn 100 m2. Bao nhiêu gia súc, gia cầm trôi sạch…”, ông Lộc nói
Bà Nguyễn Thị Bích Sinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết thêm: “Nhiều người dân hơn 40 năm sống ở khu vực này, họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nước lũ đổ về hãi hùng như hôm 15.11”. Trước nỗi lo của hàng chục người dân đang sống trong vùng sạt lở, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị IDICO giải quyết hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Theo đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị đơn vị này xem xét xây dựng khoảng 150 m kè hoặc giải quyết kinh phí để di dời 13 hộ bị sạt lở đến nơi ở mới. Tuy nhiên, văn bản này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ dư luận địa phương. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cho rằng, thủy điện Đăk Mi 4 phải có trách nhiệm đền bù chứ không phải hỗ trợ. Phía IDICO đã nhất trí hỗ trợ theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam. Về phương án và kinh phí hỗ trợ, IDICO giao cho Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 làm việc với UBND H.Phước Sơn triển khai thực hiện.
Ông Võ Phước (38 tuổi, một trong các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở) cho biết, thôn, huyện và cả đơn vị nhà máy thủy điện đã có khảo sát để đền bù những thiệt hại do xả lũ gây ra. Tuy nhiên, về phương án xây kè, ông Phước cho biết thêm, ông chưa thật sự an tâm vì khu vực 13 hộ đang định cư nằm dưới dòng hạ lưu. “Sao không chọn phương án di dời?”, PV đặt câu hỏi, ông Phước nói: “Nếu chuyển về khu TĐC thì người ta không ưng vì không thuận lợi. Riêng bản thân tôi thì di dời thì tốt hơn về lâu về dài.”.
UBND H.Phước Sơn cho biết, IDICO đã thống nhất cả việc đền bù, di dời hoặc xây kè để người dân ổn định sinh sống. Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện này cho biết, vào ngày 25.12.2013, UBND xã Phước Hiệp đã họp 13 hộ dân, qua đó đã thống nhất phương án xây kè bờ sông Trường. “Riêng về chuyện đền bù thiệt hại do xả lũ gây ra, trong tháng 1.2014, thủy điện Đăk Mi 4 sẽ thống kê, áp giá đền bù cho dân”, ông Quyền nói. Trước đó, ngay sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, UBND H.Phước Sơn đã hỗ trợ 38 triệu đồng, đơn vị IDCO đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho người dân.
Hoàng Sơn
>> Vụ sạt lở núi, 4 người bị vùi lấp: Tìm thấy nạn nhân cuối cùng
>> Vùng núi ở Quảng Nam bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng
>> Vùng cao Quảng Nam sạt lở nghiêm trọng
>> Đường sạt lở nghiêm trọng, lũ tràn hồ chứa
Bình luận (0)