Thâu tóm đất, đe dọa chủ quyền

23/05/2020 08:51 GMT+7

Để ngăn chặn việc nước ngoài thâu tóm đất vàng , núp bóng đầu tư, hợp tác kinh tế xâm phạm chủ quyền quốc gia, các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét xây dựng luật An ninh về kinh tế.

Đề xuất ban hành luật An ninh về kinh tế

Ngày 22.5, Quốc hội (QH) tiếp tục ngày làm việc thứ 3, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh cho năm 2020. Báo động về tình trạng vi phạm chủ quyền thông qua hợp tác kinh tế vừa qua, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị QH sớm nghiên cứu xây dựng luật An ninh về kinh tế. “Chúng ta có thể thấy “đường lưỡi bò” của các doanh nghiệp (DN) có người Trung Quốc hiện diện từ du lịch cho đến hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ “lưỡi bò” thể hiện qua nhiều công cụ để tác động đến chủ quyền quốc gia, hay là dự án bất động sản ven biển. Đấy là những vấn đề đe dọa chủ quyền quốc gia thông qua các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế”, ĐB Vân lo ngại.
Sau đại dịch Covid-19, theo vị ĐB của đoàn Cà Mau, bản đồ về chính trị, kinh tế và các lỗ hổng về toàn cầu hóa đang được vẽ lại. Nó buộc các quốc gia phải thắt chặt an ninh kinh tế theo cách riêng của mình. “Có thể đạo luật này tập hợp các quy định rải rác ở các văn bản khác. Nó mang tính tố tụng về kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư để chế định tất cả những vấn đề mang tính nguyên tắc nhất, xử lý các vi phạm liên quan đến an ninh kinh tế”, ĐB Lê Thanh Vân đề xuất.

Núp bóng thâu tóm đất đai

Chia sẻ lo ngại trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết cử tri rất quan tâm đến việc người nước ngoài núp bóng mua đất đai những khu vực nhạy cảm. “Việc này đã được chất vấn Bộ trưởng TN-MT, nhưng Bộ trưởng trả lời trước QH chưa thấy gì. Cử tri cũng phản ánh vấn đề người Trung Quốc lập xóm, lập phố thì thấy Bộ trưởng Bộ Công an cũng nói không thấy gì. Chỉ đến khi có báo cáo của Bộ Quốc phòng, người dân mới biết có những chuyện đó”, ĐB Nghĩa nói.
Theo ĐB Nghĩa, luật Đầu tư hiện còn nhiều chỗ trống. Ví dụ, luật chỉ giao cho QH các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường, nhưng các dự án lớn ảnh hưởng đến an ninh, đặc biệt an ninh quốc phòng, không thấy hỏi ý kiến QH. Hay việc sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng ở biên giới từ 50 ha trở lên có hỏi ý kiến QH, nhưng 49 ha không thấy hỏi ai, vì nó thuộc về các tỉnh thành mà không cấm. Trong khi, những vùng nhạy cảm chỉ cần 5 - 10 ha như sân bay, nước ngoài mua lại vốn không rơi vào điều cấm nào, không có một bộ lọc.
“Chúng tôi đề nghị có một luật về thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia, và trong đó cũng nhấn mạnh cả an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống; cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp”, ĐB Nghĩa đề nghị.

Khi nào thích hợp sửa luật ?

Liên quan đến việc rút dự thảo luật Đất đai khỏi chương trình xây dựng luật năm 2020, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) yêu cầu QH đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án luật này, bởi đã được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 8. Sau đó chuyển qua kỳ họp thứ 9, và đến giờ phút này lại rút ra, không biết chuyển vào kỳ họp nào. Việc này rất đáng lo ngại khi vấn đề quản lý đất đai thời gian vừa qua có quá nhiều vướng mắc, nhiều yếu kém, trong khi pháp luật đất đai, mà cụ thể là luật Đất đai, còn quy định chung, chưa rõ ràng; một số nội dung còn quy định chồng chéo. Trong khi đó, vấn đề về đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản đất đai của người dân.
Khẳng định đạo luật này vô cùng quan trọng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lưu ý từ trước đến nay, có 70 - 80% tranh chấp, xung đột trong xã hội là do vấn đề đất đai.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị phải xác định rõ xem khi nào QH sẽ sửa luật Đất đai để Chính phủ tập trung chuẩn bị, chứ không thể nói vào thời điểm thích hợp. “Thời điểm thích hợp là khi nào?”, bà Tâm đặt câu hỏi. ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) thì đề nghị bổ sung luật Đất đai vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021, tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa XV. Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật Đất đai năm 2013, không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều.

Tăng mức tiền phạt hành chính tối đa của 10 lĩnh vực

Trình bày tờ trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự thảo luật dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực khác.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: giao thông vận tải đường bộ và phòng chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: tín ngưỡng, và đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng); in, và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng); sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).
Ngoài ra, dự thảo luật do Chính phủ trình cũng đề nghị bổ sung quy định cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.