Thầy cô đừng để học sinh một mình!

Chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng xử lý tình huống mà nhiều giáo viên không thể bảo vệ học sinh của mình hoặc có cách hành xử dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.

Chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng xử lý tình huống mà nhiều giáo viên không thể bảo vệ học sinh của mình hoặc có cách hành xử dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.

Giáo viên cần có những hiểu biết pháp luật, kỹ năng cần thiết để hướng dẫn học sinh - Ảnh: Lam NgọcGiáo viên cần có những hiểu biết pháp luật, kỹ năng cần thiết để hướng dẫn học sinh - Ảnh: Lam Ngọc
Không bảo vệ được học sinh
Thời gian qua dư luận không khỏi bức xúc khi theo dõi vụ việc học sinh (HS) N.T.T (Trường THCS Tịnh Bắc, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bị công an xã dẫn giải ngay lúc đang học trong lớp vì nghi ngờ T. lấy trộm tiền của hàng xóm mà ban giám hiệu không hề hay biết. Sau khi từ trụ sở công an xã về, vài ngày sau T. uống thuốc diệt cỏ và tử vong.
Sự việc đáng tiếc trên làm cho không ít phụ huynh và cả giáo viên (GV) lo lắng về sự an toàn của HS khi rời gia đình bước vào trường học. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi vì sao T. đang học ở trường bị công an đưa đi giữ lại và lấy lời khai trong nhiều giờ liền, không có đại diện nhà trường mà GV hay ban giám hiệu nhà trường không có phản ứng gì để bảo vệ HS của mình?
Sự thật là chính GV cũng như nhà trường không nắm luật để biết rằng điều đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật như sau này các luật sư khẳng định. Nhiều tình huống diễn ra trong các trường học hiện nay cho thấy GV cũng thiếu những kỹ năng cần thiết để có thể bảo vệ, định hướng, dạy dỗ HS của mình ngoài kiến thức chuyên môn.
Mới đây tại Trường THCS N.H (Q.12, TP.HCM) xảy ra một vụ việc khiến nhiều GV đã phải rút kinh nghiệm. Cô N.T.A.N, dạy ngữ văn của trường này, kể: “Trong tiết học của tôi có 2 thanh niên vào trường yêu cầu GV cho M. (HS lớp 7) nghỉ học với lý do về nhà để giải quyết việc gia đình. Nhìn mặt M. bối rối cộng với việc nhìn dáng vẻ của những thanh niên này rất bặm trợn nên tôi hỏi rất nhiều. Tuy nhiên vì họ nói có việc gấp và M. cũng nhận họ là người thân nên tôi giải quyết cho về. Vài ngày sau đó tôi tá hỏa khi mẹ M. cho hay người nhà không hề gọi T. về trong tiết học. Sau đó M. miễn cưỡng kể những người đóng giả người nhà vào trường hôm đó là xã hội đen gọi em ra ngoài “dạy bảo”.
Thầy N.V.Q (giám thị một trường THCS tại Q.3) chia sẻ câu chuyện khác. “Ba năm trước, trường tôi có một HS rất nghịch. Mỗi lần mời gia đình vào phối hợp giáo dục, ba của em này thường làm rất dữ. Nhiều lần trước mặt thầy cô trong phòng giám thị phụ huynh này lấy nón bảo hiểm đánh vào đầu con. Có lần em này bị chảy máu đầu phải đưa sang phòng y tế sơ cứu. Chuyện này sau đó lặp đi lặp lại rất nhiều lần mà chúng tôi dường như bất lực”.
“Việc của tôi là dạy học chứ không phải hòa giải” !
Phê phán giới trẻ vô cảm nhưng ở những góc khuất khác, chính giới trẻ cũng bức xúc vì thái độ thờ ơ, thiếu quan tâm của người lớn, trong đó có GV.
Một HS bậc THCS ở Hà Nội kể có HS bị bạn trong lớp tẩy chay nên mỗi ngày đi học là một ngày bạn này bị “tra tấn” về tinh thần. GV chủ nhiệm biết chuyện nhưng không có bất cứ một động thái nào để giúp đỡ HS của mình. Khi HS này gặp riêng cô chủ nhiệm để chia sẻ, mong tìm sự giúp đỡ thì cô lạnh lùng nói: "Việc của tôi là dạy học chứ không phải làm nhà hòa giải. Em phải xem lại bản thân mình, tại sao nhiều người không muốn chơi với em. Khi các bạn đã không thích chơi với em thì tôi không thể lấy quyền của GV để bắt ép các bạn làm như vậy được…".
Đang trong tâm trạng hoang mang, cần sự chia sẻ, giúp đỡ mà nhận được những lời nói như vậy, HS này càng trở nên tự ti, mặc cảm và nhất định đòi bố mẹ chuyển trường.
Những việc tưởng như nhỏ và cách hành xử như GV trên không hiếm. Không ít trường hợp HS bị mất đồ cá nhân trong lớp nhưng khi phản ánh với GV còn bị mắng thêm vì không biết giữ gìn đồ dùng của mình; bị bạn trêu chọc, bắt nạt mách GV thì cũng không được phân xử đúng, sai mà mang tất cả ra… phạt.
Phụ huynh HS một trường THCS ở Q.3 (TP.HCM) chia sẻ một câu chuyện khá nhỏ nhưng cách giải quyết của GV khiến mọi việc trở nên trầm trọng: “Trong buổi dã ngoại, một nhóm 5 HS cùng lớp uống chung một lon bia do một HS mang theo từ nhà. Khi phát hiện, GV chủ nhiệm yêu cầu các HS viết bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh. Vì sợ bị khiển trách nên các cháu giả chữ ký ba mẹ. Sau khi phát hiện GV gọi về gia đình và đưa các HS ra hội đồng kỷ luật của trường, đòi hạ hạnh kiểm, đình chỉ học một vài ngày. Tôi rất tiếc vì cách xử lý của GV. Tôi cho rằng giáo dục là phải tác động lên ý thức của HS để các cháu tốt lên chứ không phải chỉ phạt và kỷ luật”.
Báo chí đã từng phản ánh những sự việc đau lòng xảy ra trong nhà trường mà ai cũng phải đặt ra một câu hỏi lớn: Các thầy cô giáo ở đâu? HS đánh nhau đến mức tử vong ngay trong lớp học; một GV tiểu học ở TP.HCM đã giao HS lớp 2 cho công an chỉ vì nghi em này lấy trộm tiền của mình; HS cùng quẫn đến mức nhảy lầu ngay trong trường học chỉ vì những nghi ngờ, miệt thị… chĩa vào mình.
Một cựu HS ở Bắc Giang vẫn nhớ mãi quãng thời gian đi học của mình khi gặp phải một GV lấy sự xúc phạm học trò làm niềm vui. Cô giáo dạy văn, những tưởng phải truyền cho học trò những gì nhân văn, đẹp đẽ nhất thì ngược lại, không ít lần khiến HS của mình phải bật khóc ngay trong lớp học. Trong một lần bị cô gọi lên trả bài mà không thuộc, cậu lập tức bị cô mang chính cái tên của mình ra để bêu riếu: "Cậu mà xứng đáng với tên là Ngọc Minh à, cậu mà là viên ngọc trong sáng à, cậu chỉ cục đất, hòn đá cuội mà thôi. Cậu về bảo bố mẹ đổi tên đi…".
Ông Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (Cần Thơ) chia sẻ: “Ở trường học dù có chuyện gì xảy ra thì thầy cô cũng cố gắng đừng để HS một mình”. Theo ông Chỉnh, việc tìm hiểu về pháp luật hoặc kỹ năng cho GV không quá phức tạp. GV có thể tìm hiểu qua rất nhiều kênh từ sách, báo, internet. Bản thân ông cũng tự tìm hiểu nên nhiều lần đã bảo vệ được học trò của mình.
Ông nhớ lại: “Trường tôi có một nữ sinh lớp 12 nhà rất khá giả nhưng sau đó ba mẹ vi phạm pháp luật bỏ trốn. Lúc này công an tìm tới trường gặp HS để điều tra. Về lý thì công an có thể làm như vậy nhưng em này đang là HS của tôi, chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm bảo vệ nên chúng tôi phân công cô phó hiệu trưởng không rời HS trong lúc công an hỏi chuyện. Tôi cũng lưu ý thêm việc công an tới trường gặp HS không nên để cho GV và HS khác biết để tránh ảnh hưởng tới việc học của em ấy sau này”.
Luật Giáo dục còn thiếu điều khoản về quyền giám hộ
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi HS đã bước vào trường học thì hiệu trưởng và GV chủ nhiệm đương nhiên trở thành người giám hộ được cử. Khi công an hoặc bất cứ người nào, kể cả cha mẹ, muốn đưa HS ra khỏi trường thì đều phải được sự cho phép của GV chủ nhiệm hoặc hiệu trưởng tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Cũng theo ông Hải thì hiện tại luật Giáo dục của VN chưa nêu rõ quyền giám hộ của GV và ban giám hiệu đối với HS. Chính vì thế khi đụng những vấn đề liên quan tới luật pháp, GV thường rất bối rối và tùy cơ ứng biến. Nhiều khi từ sự bối rối đó mà GV không thể quyết đoán và không bảo vệ được HS.
Lam Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.