Thầy có thích tết không?

18/01/2020 14:46 GMT+7

Một bạn trẻ hỏi tôi: thầy có thích tết không? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể vài dòng.

Hồi nhỏ, tôi và các bạn đồng trang lứa, những đứa trẻ được sinh ra trong những năm năm mươi, tết với chúng tôi đồng nghĩa với việc có quần áo mới (trẻ con nông thôn vùng quê tôi sinh sống là một vùng đất nghèo, chúng tôi chờ bố mẹ mua cho một bộ quần áo mới mặc tết. Chỉ trẻ con nhà giàu mới hy vọng có hơn một bộ đồ mới diện tết).
Tết của tuổi thơ tôi còn là những đồng 2 xu, 5 xu lì xì từ ông bà, từ bố mẹ và họ hàng. Tết là những ngày theo bố mẹ đi tết ông bà nội ngoại. Tết là xem chọi gà, là đánh đu, là chơi đáo!
Lớn lên chút, khi đã học đại học, tết còn là việc xếp hàng bên các hiệu làm bánh bích quy dọc các con phố có hiệu làm bánh ở Hà Nội để mang về quê cho bố mẹ ăn tết. Mùi vani, mùi trứng thơm suốt dọc đường.

Người Việt ngày càng có xu hướng đi du lịch đón tết

Ảnh: Ngọc Thắng

Thời trai trẻ của chúng tôi là thời kỳ đất nước còn khó khăn, ngày tết với những lo toan nếu giờ kể con cháu lại bảo các cụ cường điệu quá. Tôi nhớ những cái tết cả phòng quản trị, công đoàn trường, thầy cô trong ban giám hiệu đều tất bật cùng tết: vài ký nếp, chục ký gạo thơm, một hai ký lô thịt heo. Thầy cô giáo các khoa chờ đến tận 29-30 tết để chia thịt lợn. Thịt heo về muộn, trường chỉ lọc thịt rồi đưa về khoa, các khoa tự cắt từng miếng thịt chia nhau, đến cái cân cân thịt cũng phải chờ khoa này cân xong khoa kia mượn. Những ô thịt được gắn số để bốc thăm.
Có tí thịt rồi, về nhà lọc mỡ ra đem chiên lấy mỡ để dành ăn một vài tháng sau tết, những miếng nạc, được cắt miếng kho tàu ăn tết.
Tết từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay thì khá hơn, không còn cảnh chia từng ký gạo, từng vài trăm gram thịt.
Ăn tết bây giờ khác xưa nhiều. Người ta mua những chậu mai, đào vài triệu đến cả chục triệu để chơi tết. Có những gia đình, tiền mua hoa chưng tết có khi hết cả tháng lương của người lao động bình thường.
Nhìn lại quá khứ, chỉ cuối những năm 80, lũ trẻ sống trong chung cư 24 Đồng Khởi, con cái của các giảng viên đại học phải chờ tới trưa ba mươi, khi những người bán hoa dọn dẹp trên đường hoa Nguyễn Huệ mới xin từng cành mai, từng cây hướng dương... mà người bán không bán được về nhà chưng tết.
Bây giờ nhiều gia đình không còn thói quen đến chúc tết. Một lời nhắn qua Mesenger là xong cái tết. Tết thời nay người ta khóa cửa đi du lịch, chả thế mà dịch vụ trông thú cưng ngày tết ngày càng phát triển!
...
Giờ bạn trẻ hỏi tôi về tết chắc đã có câu trả lời rồi nhỉ! Chúc các bạn có cái tết theo kiểu của mình. Ai chả có tết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.