Thay đổi tư duy dùng sách giáo khoa

05/05/2022 04:15 GMT+7

Nếu vẫn vận hành cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa như đang thực hiện thì giá sách sẽ luôn cao hơn trước đây.

Trong tình huống này, cần thay đổi tư duy để có thể sử dụng sách giáo khoa (SGK) tiết kiệm, giảm chi phí.

các nước phát triển, việc sử dụng SGK xem ra tiết kiệm hơn ở VN. Giá sách ở các nước thường rất cao vì sách được thiết kế đẹp, nội dung phong phú, rất dày dặn. Chính vì vậy không phải học sinh (HS) nào cũng sở hữu một bộ và cũng không dễ tìm mua ở các nhà sách. Để giảm gánh nặng chi phí cho HS, các nhà trường thường đặt mua và để HS dùng chung. HS được mượn sách nhưng phải giữ gìn theo quy định, thậm chí không được viết bằng bút chì lên sách, để người khóa sau dùng lại.

Ở VN, giai đoạn cả nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, hầu hết các trường học đều có chính sách cho HS mượn sách. Thế nhưng quy định và các biện pháp xử phạt chưa rõ ràng nên hư hao, mất mát vẫn thường xảy ra. Sau này kinh tế khởi sắc hơn, giá SGK vừa tầm với thu nhập của phần lớn người dân, phụ huynh không quá khó khăn khi mua một bộ cho con nên không còn chuyện mượn sách trong trường học nữa. Hiện nay, do việc vận hành, quản lý SGK theo hướng mới, không dùng hoàn toàn vốn ngân sách của nhà nước nữa nên giá sách tăng cao. Trong xu thế này, không nhất thiết mỗi HS đều mua SGK mà nhà trường có thể huy động các nguồn lực, sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm tạo thành tủ sách dùng chung cho những HS không đủ điều kiện kinh tế được mượn sách để học.

Khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thì HS sẽ học sách do nhà trường, địa phương lựa chọn. Đây là một chủ trương đúng đắn và tiến bộ. Tuy nhiên, điều này cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng năm học này nhà trường, địa phương chọn bộ sách này nhưng năm sau chuyển sang sách khác. Nếu như thế, anh chị em, người thân có khi sẽ không được tái sử dụng bộ sách của người đi trước. Đây cũng là một sự lãng phí. Chính vì thế chọn SGK nên giao cho giáo viên (GV) và nhà trường thực hiện một cách thực chất và phải làm điều này vì HS của mình chứ không phải vì quen biết, quan hệ hay “chỉ đạo” của một ai đó. Các nhà xuất bản có thể kinh doanh nhưng nhà trường tuyệt nhiên không thể “kinh doanh” khi chọn SGK cho HS. Làm được điều này cũng là góp phần giảm gánh nặng chi phí cho người học.

GV các nước xem SGK chỉ là một tài liệu tham khảo nên họ không phụ thuộc hoàn toàn vào bộ sách nào. Trong quá trình dạy học, GV sẽ soạn bài giảng riêng làm tài liệu học tập cho HS. Xu hướng này cũng đang được GV nhiều trường ở các thành phố lớn trong nước thực hiện nhiều năm nay. Ở những trường này, HS hầu như sử dụng tài liệu học tập của GV hoặc tổ bộ môn biên soạn, ít dùng đến SGK đã mua. Thực hiện điều này cũng là cách tiết kiệm. Đó là chưa kể đây cũng là cách giúp GV không còn tư tưởng bám SGK, xem sách là pháp lệnh như lâu nay, giúp GV sáng tạo hơn.

Từ một chương trình, một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc đã tồn tại suốt mấy mươi năm thành nhiều bộ SGK là một thay đổi rất căn bản của giáo dục phổ thông VN. Quá trình này cũng sẽ thay đổi nhiều quan niệm, tư duy trong giáo dục. Nhìn nhận về vai trò, ứng xử và sử dụng SGK một cách phù hợp hơn vừa giúp giảm gánh nặng chi phí cho người học vừa giúp thầy trò có điều kiện phát huy năng lực và sáng tạo hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.