Thấy gì qua thực nghiệm chương trình môn học mới?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/04/2018 08:17 GMT+7

Những kết quả không phải chỉ toàn 'màu hồng' trong đợt thực nghiệm chương trình môn học mới vừa qua đã giúp các nhà biên soạn có điều kiện thiết kế chương trình sát thực tiễn hơn, còn giáo viên cũng biết cần bổ sung gì để đáp ứng yêu cầu mới.

Thực nghiệm chương trình (CT) là điểm mới chưa từng được thực hiện trong những lần đổi mới giáo dục phổ thông trước đây. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới, cho biết thực nghiệm là điểm mới trong đổi mới CT - SGK lần này. Trước đây, sau khi xây dựng CT thí điểm, Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn SGK thí điểm, sau đó quay lại để điều chỉnh CT và biên soạn SGK chính thức.
“Cách chúng ta thực nghiệm SGK đến 3 năm như CT hiện hành là lãng phí, không cần thiết. Không những thế còn tạo ra tâm lý thiếu yên tâm vì có những khóa học sinh chỉ học thí điểm. Ở nước ngoài, người ta vừa làm CT, biên soạn SGK vừa thực nghiệm và chỉ thực nghiệm những điểm mới”, GS Thuyết nói.
Giáo viên nhiệt tình nhưng hiểu sai thì càng… sai
Theo GS Phạm Hồng Tung, chủ biên CT môn lịch sử, trước và sau mỗi giờ dạy học thực nghiệm, ông thường xin 5 phút để giao lưu với HS. Trước giờ học, ông thường đặt câu hỏi “Các con có chán học sử không?”, nhiều HS trả lời rất thẳng thắn là rất chán, nguyên nhân thì khác nhau, có HS nói chán vì phải học những sự kiện cách đây hàng trăm năm, HS thì nói chán vì phải học thuộc nhiều quá… Tuy nhiên, sau giờ học, nhiều HS cho rằng nếu giáo viên (GV) dạy như những giờ thực nghiệm thì HS sẽ rất thích học lịch sử.

Chương trình có soạn tốt đến mấy cũng chỉ giống như bản thiết kế một cái nhà. Bản thiết kế đó được thi công và xây dựng thế nào thì phải chờ người viết sách nhưng quan trọng nhất là GV

PGS Mai Sỹ Tuấn (Chủ biên chương trình môn khoa học tự nhiên ở cấp THCS)

“Điều đó cho thấy đóng vai trò then chốt vẫn là giáo viên vì HS rất nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới. Ở đâu GV hiểu đúng CT thì phương pháp dạy học sẽ rất phù hợp, lôi cuốn được HS; ngược lại nếu GV hiểu sai, thì càng nhiệt tình lại càng… sai”, GS Tung nói.
GS Đỗ Đức Thái, chủ biên CT môn toán, không phỏng vấn HS trước mặt GV nhằm có thông tin khách quan nhất. Câu trả lời của HS ở một trường học tại Hà Nội cho rằng cô/thầy giáo trước đây dạy vẫn hay như thế nhưng không được nhiệt tình như giờ dạy thực nghiệm.
PGS Mai Sỹ Tuấn, chủ biên CT môn khoa học tự nhiên ở cấp THCS, chia sẻ: “Đối với GV thì đúng là họ có tâm tư lo lắng vì đây là môn học có nhiều điểm mới. Chúng tôi cũng nói rõ với GV, chương trình có soạn tốt đến mấy cũng chỉ giống như bản thiết kế một cái nhà. Bản thiết kế đó được thi công và xây dựng thế nào thì phải chờ người viết sách, nhưng quan trọng nhất là GV”.
Theo PGS Tuấn, GV thường kêu khó về thiết bị, phòng học. Tuy nhiên, qua thực tế, những cái khó đó đều có cách khắc phục. Cái khó nhất là năng lực đổi mới phương pháp dạy học của GV.
“Ví dụ, có giờ học thầy phát vấn HS rất nhiều vì quan niệm rằng hỏi đáp nhiều là thành công. Nhưng không phải vậy. Phương pháp dạy học mới là phải tổ chức được hoạt động cho HS. Từ hoạt động đó, HS tìm tòi và vận dụng được kiến thức. Có hôm, sau giờ thực nghiệm đầu tiên, tôi làm việc lại với cô giáo, hướng dẫn cụ thể về hoạt động nhóm trong lớp học. Lúc đó tôi mới phát hiện GV chưa biết tổ chức hoạt động nhóm cho HS như thế nào. Sau khi được hướng dẫn, cô giáo dạy lượt thứ 2 thì tôi thấy hết sức ưng ý. Lấy ví dụ như vậy để thấy rằng cái chính là phải tập huấn, đào tạo cho GV một cách bài bản, đúng trọng tâm”, ông Tuấn nói.
Những thực tế bất ngờ
TS Bùi Phương Nga, chủ biên CT môn khoa học ở cấp tiểu học, cho biết: “Chúng tôi tổ chức thực nghiệm CT là để nhận phản ánh trung thực về thực tế, chứ không muốn tự lừa dối mình, không muốn “ăn bánh vẽ” rằng CT là rất tốt, rất hoàn hảo. Quá trình thực nghiệm cho thấy có không ít vấn đề chưa được như mong muốn nhưng chúng tôi hài lòng ở chỗ GV và HS, dù ở vùng dân tộc thiểu số, không chuẩn bị trước, không “cầm tay chỉ việc” nhưng đã tổ chức được một giờ dạy có thể đánh giá là đạt yêu cầu của CT mới”.
GS Phạm Hồng Tung cho rằng kết quả thử nghiệm cũng đưa ra những thực tế khá bất ngờ. Ví dụ, khi chưa thực nghiệm thì có thể nghĩ rằng ở khu vực thành thị sẽ rất tốt. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra, có những giờ lên lớp chưa đạt yêu cầu như mong muốn lại ở ngay trường học ở nội thành Hà Nội. Nhưng cũng có những giờ học gây ấn tượng mạnh lại là ở địa bàn xa xôi, ví dụ ở Trường Trần Đại Nghĩa, H.Cái Răng, Cần Thơ, dù điều kiện dạy học khó khăn nhưng GV đã tổ chức được một giờ học mà thầy và trò tương tác với nhau rất tốt.
PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên CT môn ngữ văn, nêu nhận định: Kể cả thực nghiệm có rất tốt thì không có nghĩa khi triển khai đại trà sẽ thành công. Với môn ngữ văn thì cùng một GV có thể hôm nay dạy thành công, nhưng ngày mai lại thất bại.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng không nên nhìn kết quả thực nghiệm toàn “màu hồng”. “Chính những giờ dạy không thành công giúp cho chúng tôi hiểu vì sao chưa thành công để hoàn thiện. Chính vì vậy chúng tôi mới phải chọn thực nghiệm ở nhiều vùng miền, nhiều điều kiện dạy học khác nhau”, ông Thuyết nói.
300 ý kiến tập trung vào 5 vấn đề
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Bộ GD-ĐT đã nhận được trên 300 ý kiến góp ý từ các tổ chức, cá nhân.
Nội dung góp ý tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất, hai môn học có nội dung tích hợp ở cấp THCS, cụ thể là môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Dư luận băn khoăn về căn cứ để dạy tích hợp, nội dung tích hợp của các môn, tổ chức dạy học trong tương lai như thế nào. Thứ hai là đối với môn ngữ văn, dư luận còn băn khoăn về độ mở của CT, đề nghị tăng cường số tác phẩm văn học bắt buộc. Thứ ba là yêu cầu phải giảm tải, thứ tư dạy theo phân hóa tự chọn phù hợp với nguyện vọng của HS hơn, thứ năm đổi mới phương pháp dạy học.

Thực nghiệm trong 1 tháng ở 48 trường
Theo GS Thuyết, sau khi có dự thảo CT môn học, những người làm CT bắt tay vào thực nghiệm CT theo quyết định của Bộ GD-ĐT. “Thực chất là thực nghiệm những nội dung, phương pháp dạy học, cách thức đánh giá mới. Thực nghiệm là để kiểm nghiệm tính khả thi và tác động của những điểm mới trong CT đến việc dạy của GV và việc học của HS”, GS Thuyết nói.
Về cách thức thực nghiệm, theo GS Thuyết, có 3 hình thức: Trực tiếp khảo sát điều kiện dạy học ở các trường. Ban soạn thảo CT đã báo cáo Ban Chỉ đạo của Bộ chọn 6 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Mỗi tỉnh, TP chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT đại diện cho các vùng trong tỉnh đó, với những điều kiện dạy học khác nhau. Có 48 trường được chọn thực nghiệm đợt này với khoảng 350 tiết dạy thực nghiệm một lượt.
Bước kế tiếp là lấy phiếu trưng cầu GV về CT các môn học. Mỗi môn sẽ có phiếu điều tra, hình thức trả lời trực tuyến để đảm bảo tính khách quan. Hiện nay, phiếu đang được một nhóm chuyên gia độc lập xử lý.
Sau đó tổ chức dạy thử một số bài học để kiểm nghiệm tính khả thi và tác động của CT đến việc dạy và học của GV, HS. Các bài học này có thể là nội dung mới, có thể là nội dung đang có trong SGK hiện hành dạy theo phương pháp mới. Bên cạnh các hoạt động trên, từ nay đến đầu tháng 5, Bộ GD-ĐT còn tổ chức các hội nghị ở 3 miền lấy ý kiến các sở GD-ĐT về CT mới.
Thời gian tổ chức thực nghiệm diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng, từ cuối tháng 3 đến nay. Các chủ biên CT cho rằng đợt thực nghiệm này chỉ là thực nghiệm CT, tập trung vào những nội dung, phương pháp mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.