Thầy giáo dạy lớp vỡ lòng của tôi

19/11/2022 11:18 GMT+7

Tuổi thơ ai cũng có thầy cô của riêng mình, tôi cũng vậy. Khi tôi bắt đầu đi học, lớp vỡ lòng có thầy giáo Ba, thầy ở xóm cuối làng.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng

hcmup.edu.vn

Tôi sinh ra ở một làng quê Bắc bộ, tiếp giáp ngay Hà Nội, nhưng thời Pháp thuộc xã tôi không có trường học. Khi tôi bắt đầu đi học, lớp vỡ lòng có thầy giáo Ba, thầy ở xóm cuối làng. Thầy không tham gia một khóa đào tạo nào cả và chỉ học hết lớp 4 (tương đương tiểu học bây giờ) và dạy bọn trẻ trong làng như chúng tôi.

Trẻ con trong làng độ tuổi tôi có khoảng 7-8 đứa, nhưng chỉ có tôi đi học sớm, lớp vỡ lòng của tôi ngày đó còn lại là các anh, các chị trong làng.

Không có lớp học. Lớp học vỡ lòng của chúng tôi được mở ngay giữa đình làng. Trẻ con đến giờ học thì mang theo một cái ghế đẩu làm bàn viết rồi ngồi bệt xuống nền nhà mà đồng thanh nghe thầy đọc chữ. Những nét chữ đầu tiên được thầy chỉ cho ngay trong đình làng, trẻ con ê a đọc theo “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì có râu”. Những bài học đầu tiên là như vậy. Thầy giáo Ba cầm tay từng đứa miết viên ngói, viên gạch non xuống nền gạch Bát Tràng mà từng con chữ hiện ra. Ấy thế mà học xong lớp vỡ lòng trẻ con đứa nào cũng biết đọc, biết viết. Cả thôn chỉ có một tờ báo Nhân Dân, thầy giáo Ba xin về rồi cho bọn trẻ chúng tôi đánh vần trên các tiêu đề, mục báo.

Ngày nhà giáo Việt Nam: bà Sáu Thia - Cô giáo không bục giảng

Thầy giáo Ba dạy học không có lương. Hợp tác xã trả thầy bằng công điểm, hôm nào dạy thì tính bằng nửa công cày. Với nông thôn, không phải đội nắng theo sau con trâu là được rồi, nhưng những buổi không dạy, thầy cũng ra đồng làm ruộng.

Tôi nhớ rõ khuôn mặt thầy giáo Ba dù đã gần 60 năm trôi qua. Đó là khuôn mặt của một người đàn ông nông thôn được trời cho răng khểnh cả bộ đến nỗi bọn trẻ chúng tôi nghĩ thầy cười suốt ngày đêm.

Tôi chưa bao giờ thấy thầy giáo Ba quát mắng đứa nào, đòn roi thì không dù trong tay thầy luôn có một cây thước thợ. Cũng chưa bao giờ thầy được học trò đến thăm vào ngày lễ. Tết đến, bọn trẻ theo bố đến thăm thầy giống như đến chúc tết các gia đình trong thôn, trong xóm.

Chỉ với cục gạch non làm phấn, nền gạch Bát Tràng làm bảng, thầy đã dạy cả chục học trò trong làng nhiều năm liền để sau này nhiều đứa trong số đó đã được học tiếp lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi cao đẳng, đại học.

Tôi biết sau này khi có trường trung cấp sư phạm, những giáo viên dạy vỡ lòng như thầy không còn được hành nghề nữa. Thầy lại đi cày ruộng làm nông. Nhưng tất cả những đứa học trò tuổi tôi ở làng Doãn ngày ấy giờ đã là các ông, các bà luôn nhớ ơn thầy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.