Thầy giáo không biên chế

20/10/2005 21:39 GMT+7

Hơn 25 năm nay, thầy giáo "không biên chế" Lê Nam đã lặng lẽ đem cái chữ đến cho hàng ngàn trẻ em nơi xóm Rế, làng Đông Tác, Phú Lâm, TP Tuy Hòa, Phú Yên. Bản thân thầy lại bị bại liệt từ nhỏ, vượt lên nghịch cảnh và nỗi buồn, để sống có ích cho đời.

Mới 9 giờ sáng mà cái nắng ở làng biển Đông Tác đã như nung. Làng biển vắng lặng trong tiếng sóng, đa phần người dân đã đi biển hoặc đi buôn bán, làm ăn gần xa. Trong ngôi lều dựng tạm trên bãi cát, một lớp học nhỏ vẫn vang đều tiếng thầy, tiếng trẻ. Lớp của thầy có học trò đủ hạng tuổi. Giờ cho lớp ra chơi, anh Nam trò chuyện cùng tôi: "Căn lớp này vừa được bà con trong xóm giúp xây dựng lại, chứ mấy năm trước phải nói là te tua, anh ơi! Thầy trò tôi phải vừa học vừa tránh mưa, tránh nắng vì mái tre dột nát...". Vậy mà mỗi năm lớp học này luôn có trên dưới 100 em đến học. Lăn lộn, học hỏi với nghề "tự học, tự dạy" đã nhiều năm, anh trở nên một người am hiểu lạ thường sự học nơi đây như một chuyên gia giáo dục thực sự.

Hơn ai hết, bởi chính anh cũng từng ước mơ được đi học suốt thời trẻ thơ, dù rằng sự học khi ấy đối với xóm biển này chỉ là... chuyện nhỏ: lành lặn còn chẳng học làm gì, huống hồ hai chân bị liệt như thế! Chiều ý anh, cha mẹ phải thay phiên cõng con đến trường. Nam mới học hết lớp 6 thì cha mất, cuộc sống bữa đói bữa no, đến nỗi mẹ anh đã phải bán nhà để nuôi con. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong đời anh: mẹ anh phải làm thuê, gánh mướn để nuôi mấy anh em, bản thân Nam thì đi học đã khó nhưng còn phải làm bất cứ công việc gì mà người ta mướn để gom góp tiền ăn, tiền học, nuôi em. "Tôi phải đi ở nhờ nhiều nhà bà con quanh đây và được cưu mang học lây lất cho đến hết lớp 9. Tự nhiên, tôi thấy cần phải làm gì đó để đền đáp ân nghĩa nàây...", anh nói.

Không được đi học nữa là đến những ngày cặm cụi học nghề may. Người khác chỉ học chưa đầy năm là có thể hành nghề còn anh phải vừa học vừa làm để trả công dạy trong ngót 2 năm. Đây cũng là nghề gắn bó với anh đến hôm nay, cùng với "chức danh" ông giáo mà người dân làng biển trân trọng gọi anh.

Anh bắt đầu dạy học từ năm 1979. "Thực ra hồi đầu chỉ là hướng dẫn, kèm thêm cho mấy đứa nhỏ thôi. Lúc đó, học lớp 9 như tôi ở đây còn hiếm lắm nên bà con hay nhờ viết đơn, thư từ; có người gửi cả con trông coi giùm, kết hợp chỉ dẫn học chữ...", anh cho biết. Rồi với một quyết tâm phi thường mà ở làng biển này chưa ai làm được, anh lắc lê chống nạng đi thuyết phục, "thu gom" những đứa trẻ tới tuổi mà chưa được đi học để về dạy kèm. Ban đầu là năm ba đứa, rồi lớp học khoảng hơn 10m2 chật kín lúc nào không biết, anh phải tìm cách dựng bồ, kéo ni-lông cơi nới thêm... Cứ thế, anh vừa dạy vừa tìm thêm sách học để nâng cao... nghiệp vụ. Được cái là kết quả mang lại gần như vượt mong đợi nên rất nhiều người trong xóm ủng hộ đưa con đến học; nhiều bậc cha mẹ mới 4-5 giờ sáng đã đưa con đến gửi học rồi đi biển, đi buôn bán, thành ra lớp học của anh kiêm luôn... giữ trẻ. Riêng chuyện học phí cho thầy thì "của ít lòng nhiều": khi thì rổ khoai, mớ cá, hộp phấn, tập giấy, khi thì vài đồng tiền lẻ thấm đẫm mồ hôi... Vậy mà cùng với những thu nhập ít oi của nghề may, anh đã giúp giấy bút, sách vở cho biết bao em bé được học và trưởng thành.

Rất ít khi thầy Nam ngồi tính lại "kết quả" của mình. Chị Lộc, một người bán quán trong xóm nói: "Nhiều đứa đáng lẽ không được đi học nhưng nhờ học thầy Nam, biết đọc được mấy chữ nên cha mẹ "khoái" quá, cho tới trường. Nhiều đứa bỏ ngang chuyện học cũng được thầy vận động đến học, thế rồi học lấn tới mà thành tài! Trò của thầy Nam đã có nhiều đứa làm kỹ sư, thầy giáo, đi học nước ngoài...". Tháng 6.1999, thầy giáo Lê Nam đã vinh dự được UBND tỉnh Phú Yên tặng bằng khen vì đã "có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em".

Căn lớp vẫn còn tạm bợ lắm, những cái bàn học dù cố sửa vẫn cứ luôn xộc xệch, tấm bảng bong sơn lỗ chỗ, lớp học trên bãi cát nên đôi khi vẫn phải ngừng dạy giữa chừng vì những cơn gió thốc qua. Và còn một điều này nữa: chỉ một mong ước nhỏ nhoi là có chiếc xe lăn để đi lại nhưng thầy Nam vẫn không sao sắm được, nghe đâu có người hứa tặng nhưng đến nay vẫn là đợi chờ...

Hùng Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.