Thầy hay thợ đều quan trọng như nhau

10/08/2009 22:44 GMT+7

Con đường ĐH đâu phải là con đường duy nhất trong rất nhiều con đường đi đến đích của một đời người.

Cứ đến tháng 7 hằng năm thì tâm điểm của toàn xã hội chính là kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Nó có ảnh hưởng to lớn đến tương lai của hàng vạn thí sinh khắp cả nước, và kèm theo đó không thể không nói đến sự hao tốn tiền bạc, sức lực của nhiều người.

Con đường ĐH đâu phải là con đường duy nhất trong rất nhiều con đường đi đến đích của một đời người. Vẫn còn Những nhà sáng chế không bằng cấp mà Báo Thanh Niên đang nêu trong những số báo gần đây đó thôi. Nói vậy không có nghĩa chúng ta đánh giá thấp môi trường ĐH. Nó vẫn là một nơi rất tốt để chúng ta rèn luyện, học tập, trau dồi kiến thức, giúp ta bước tới nền kinh tế tri thức dù rằng nền giáo dục ĐH ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém cần phải cải thiện. Vậy nếu chẳng may bạn không đậu ĐH thì sao?

Tính đến năm 1999 - thời điểm tổng điều tra dân số, nước ta có tỷ lệ người tốt nghiệp ĐH- CĐ so với trung cấp kỹ thuật và công nhân kỹ thuật như sau: 1:1:1. Tỷ lệ này bất hợp lý giữa các cấp đào tạo và không phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm các nước phát triển thì tỷ lệ hợp lý là 1:4:10. Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục đưa ra cơ cấu lao động hợp lý ở nước ta hiện nay phải là 1:4:20. Đây là cơ hội cho những thí sinh chọn con đường nghề.

Mỗi người trên thế giới này sinh ra đều hữu ích, mỗi người có một tố chất khác nhau, sở trường riêng. ĐH là nơi học thuật hàn lâm dành cho những người say mê con đường chữ nghĩa, nghiên cứu, chứ không phải dành cho tất cả mọi người (tuyển sinh đầu vào cũng là cách để sàng lọc những người phù hợp). Không vào được ĐH chỉ là "sự thành công bị gián đoạn" (theo cách nói như các nhà quản lý giáo dục Anh quốc), không có nghĩa cuộc đời đã chấm dứt. ĐH không dạy cho ta tất cả về cuộc đời, về trải nghiệm cuộc sống. Đâu phải tất cả những giá trị của cuộc sống đều nằm ở giảng đường ĐH.

Vẫn còn rất nhiều con đường khác cho chúng ta lựa chọn. Quan trọng là phải xác định sở thích của mình, bản thân đam mê công việc gì, tố chất phù hợp với loại công việc nào. Vẫn còn đó nhiều ngành, nhiều bậc học, loại hình đào tạo phù hợp với chúng ta như các trường nghề, trung cấp, CĐ nghề... Cơ bản là chúng ta phải có quyết tâm, khát khao làm việc, cống hiến. Có người làm thầy thì cũng phải có người làm thợ. Thợ cần thầy để giảng giải, định hướng. Thầy cũng cần có thợ để thực hành. Vì vậy vai trò của người thầy hay người thợ đều quan trọng như nhau.

Hồ Bá Minh
(32A Trương Định, Q.3, TP.HCM)

* Vào ĐH thành công dễ dàng hơn

Với chủ đề "Có cần vào đại học để thành công?", Báo Thanh Niên và NESCAFÉ mong nhận được ý kiến đóng góp và tham gia của bạn đọc trên mọi miền đất nước về vấn đề nóng hổi này khi kỳ thi ĐH bước vào giai đoạn kết thúc. Ý kiến dưới dạng bài viết (bằng tiếng Việt) khoảng 600 chữ, xung quanh chủ đề trên gửi về e-mail: cungtrochuyen@thanhnien.com.vn ; Để tham gia các bài viết khác, xin truy cập trang web: www.cungtrochuyen.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.