Thầy rắn trên Thiên Cấm Sơn

12/04/2015 09:00 GMT+7

Nhiều người dân trên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) khi bị rắn cắn là tìm đến thầy chữa rắn cắn, thay vì đến bệnh viện. Thói quen này, đến nay vẫn hiện hữu trong đời sống hằng ngày.

Nhiều người dân trên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) khi bị rắn cắn là tìm đến thầy chữa rắn cắn, thay vì đến bệnh viện. Thói quen này, đến nay vẫn hiện hữu trong đời sống hằng ngày. 

Ông Tư Bền với phương thuốc bí truyền chữa cho hàng trăm người bị rắn cắn - Ảnh: Xuân Khánh
Ông già râu tóc bạc phơ, dáng dỏng cao, kiếm sống bằng mớ rễ cây ở một quán trọ bên đường trên Vồ Thiên Tuế (núi Cấm) là người được cư dân núi Cấm biết đến và kính trọng. Người ta chỉ có lý do lớn nhất để phải nhớ, tìm đến ông và cứ lặp đi lặp lại xưa nay, đó là khi đụng chạm đến rắn. Ông là Nguyễn Văn Bền, 79 tuổi, người dân thường gọi Tư Bền.
“Năm rồi cứu trên 40 người”
Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên, nói có nghe ông Tư Bền là thầy thuốc trị rắn hay. Các bài thuốc ông dùng trị rắn cắn như sừng hươu nai trộn với các cây thuốc khác là bài thuốc cổ truyền, được nhiều thầy thuốc rắn sử dụng. Tuy nhiên, ông Chung khuyến cáo hiện nay các huyết thanh kháng nọc rắn độc đuôi đỏ, rắn hổ đã có ở Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), nên người bị rắn cắn qua sơ cứu ở các thầy rắn cần cấp tốc đưa đến bệnh viện để đảm bảo an toàn cũng như không để lại di chứng về sau do nọc rắn gây ra.
NGỌC NHUNG
“Năm rồi tôi cứu cho trên 40 người. Có 3 người chết trên tay tôi. Năm 2013 cũng nhiều người bị rắn cắn, chết trên tay tôi 2 người...”, ông Tư Bền giọng ôn tồn kể những con số về sinh mạng, là nỗi bất trắc mà nhiều người ở vùng núi này phải trải qua. Những con số khiến người nghe phải giật mình, nhưng với cư dân vùng rừng núi này, chạm phải rắn xưa nay không phải là chuyện lạ.
Hỏi tên tuổi người bị rắn cắn, ông Tư Bền nói không thể nhớ hết những người đã điều trị, mà chỉ nhớ những ai ông quen biết. “Ngay trong các chùa trên núi cũng có 3 vị tăng ni bị rắn cắn. Cô Diệu Đức em thầy Thiện Bửu bị rắn cắn đã tìm đến tôi; em ông Sáu Mau; bà Năm Phấn; Út Tống; Bảy Cầu; Mười Lớn; vợ ông Ba Ban bị rắn cắn 2 lần; ông Thông con đạo sĩ Ba Lưới 2 lần bị rắn cắn. Trong trường cấp 2 cũng có một giáo viên bị rắn bò vào trường cắn; một học sinh bị rắn cắn khi đang ngủ trong mùng...”, ông Tư Bền bấm ngón tay kể những cái tên loáng thoáng trong đầu, những người mà không khó để chúng tôi tìm họ để xác nhận. Phần lớn họ đều sinh sống trên núi Cấm và đều bị rắn “phục” một cách bất ngờ. May mắn là họ đều vượt qua nguy hiểm khi được đưa đến ông Tư Bền.
Chúng tôi ghé ít nhất 3 cơ sở y tế trong vùng là Trạm y tế xã An Hảo, Bệnh viện H.Tịnh Biên, Trạm xá quân y... hỏi về tình trạng người bị rắn cắn, đều gặp cái lắc đầu của các y bác sĩ ở đây. “Thường bị rắn cắn người ta ít khi chở đến bệnh viện. Bởi họ có thói quen khi bị rắn cắn là tìm thầy thuốc rắn”, một cán bộ ở trạm y tế xã nhìn nhận.
Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao trên núi Cấm ngày càng có nhiều người bị rắn cắn, những người sống lâu năm tại đây giải thích vùng này trước đây vốn nhiều rắn, lại thêm thời gian trước lực lượng chức năng hay mang rắn vào rừng núi Cấm để thả. Lâu ngày chúng sinh sôi. Nguồn thức ăn ngoài rừng dần hạn chế thì rắn vào vườn tược, nhà dân... để tìm mồi, vô tình va chạm với con người.
Ông Thái Văn Nhân, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Tịnh Biên, xác nhận lực lượng kiểm lâm cũng từng đưa động vật hoang dã lên thả vào rừng núi Cấm.
“Món nợ” của thầy rắn
Bôn ba nhiều nơi, có lúc vì sinh kế phải ra tận đảo xa, nhưng rồi ông Tư Bền cũng trở lại vùng Bảy Núi như một món nợ mà ông chưa trả xong.
“Ngày xưa, lúc còn hoang vu, chưa có bác sĩ, mỗi vùng thường có một ông thầy rắn. Ông thầy này trị được nhiều bệnh nhưng trị rắn cắn là chính. Mấy ông này nghèo dữ lắm, nhưng đố mấy ổng đi đâu làm ăn xa được. Có ai bị rắn cắn là ổng phải về”, ông Chín Ten, một người dân địa phương nói với vẻ kính trọng. Theo ông, mỗi thầy thuốc rắn như được cuộc sống phân công phải lo cho dân vùng đó: “Bây giờ tây y nhiều nên có khi người ta phủ nhận, nhưng ngày trước thì những thầy rắn này là cứu cánh duy nhất cho nạn nhân mỗi khi bị rắn cắn. Thầy rắn càng trở nên quan trọng ở những vùng núi non, rừng rú nhiều thú độc”.
Ông Tư Bền thì không hề “giấu nghề”. Ông kể: “Ngày trước lúc ông nội tôi còn sống, các bác sĩ ở Hà Nội có mời ông ra để giúp nghiên cứu về loại thuốc này. Sau đó, ông cũng về lại vùng núi để trị rắn cắn cho đến khi truyền lại cho tôi”. Vì trị bệnh không lấy tiền, cũng không nhận “bồi dưỡng” nên mấy đời nhà ông sống trong cảnh nghèo. Thế nhưng khi cần dược liệu để cứu người thì ông không ngại bán cả gia sản. Mấy năm trước, một người quen làm thợ mộc khi làm nhà cho người ta thấy có cặp sừng nai già đem trưng, liền báo cho ông. Trong nhà không tiền, ông và mấy người con hì hục đốn hết vườn cây để bán củi lấy tiền mua cặp sừng về làm thuốc.
“Loài nào cũng có tập tính riêng. Rắn thì bản thân nó rất sợ con người, trừ khi ta vô tình làm cho chúng nghĩ ta tấn công chúng thì chúng mới cắn. Sống ở vùng nhiều rắn, rít thì người dân đi rừng càng phải cẩn thận hơn, đừng để chuyện đã rồi phải tìm đến thầy thuốc rắn”, ông Tư Bền lưu ý người dân núi Cấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.