Thế giới căm phẫn về vụ thảm sát các nhà báo Pháp

09/01/2015 06:29 GMT+7

Thế giới đang siết chặt vòng tay bằng hữu để giúp tuần báo biếm họa Charlie Hebdo vượt qua vụ thảm sát kinh hoàng làm 12 người thiệt mạng.

Thế giới đang siết chặt vòng tay bằng hữu để giúp tuần báo biếm họa Charlie Hebdo vượt qua vụ thảm sát kinh hoàng làm 12 người thiệt mạng.
Người dân Pháp đội mưa tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo trước nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: AFPNgười dân Pháp đội mưa tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo trước nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: AFP
Ra đời vào năm 1969, trong gần nửa thế kỷ qua, báo Charlie Hebdo đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí phải đình bản trong giai đoạn 1981 - 1992 nhưng vẫn luôn giữ vững nguyên tắc: không nhận quảng cáo để đảm bảo tính độc lập và chỉ sống nhờ tiền bán báo, theo tờ Le Monde. Những năm gần đây, Charlie Hebdo gặp nhiều khó khăn về tài chính do số lượng phát hành giảm, đặc biệt sau khi tòa soạn bị phóng hỏa vào năm 2011 do đã đăng một số biếm họa về tiên tri Muhammad.
Trong bối cảnh không mấy sáng sủa đó, Charlie Hebdo phải chịu thêm một cú sốc khủng khiếp khi Tổng biên tập Stéphane Charbonnier (nghệ danh Charb) cùng 7 nhà báo/họa sĩ chủ chốt bị 2 tay súng bịt mặt giết chết vào sáng 7.1. Trên đường tẩu thoát, những kẻ này đã hét lớn: “Chúng ta đã giết chết Charlie Hebdo!”. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cả nước Pháp, đặc biệt là giới truyền thông đã tổ chức nhiều hoạt động để khẳng định điều ngược lại.
Tối 7.1, báo Le Monde, Đài truyền hình France Télévisions, Đài Radio France đã ra một thông cáo chung, kêu gọi tất cả báo đài của Pháp cùng chung sức hỗ trợ về nhân lực và tài chính để “Charlie có thể sống”. Cùng lúc đó, trên khắp các tỉnh thành của nước này, khoảng 100.000 người đã xuống đường tuần hành trong thinh lặng để tưởng niệm các nạn nhân.
Hầu hết những người tham dự đều mang theo tấm giấy hoặc băng rôn có đề dòng chữ “Je suis Charlie” (“Tôi là Charlie”). Đây là thông điệp duy nhất hiển thị trên website của Charlie Hebdo từ 2 ngày qua. Và như một lời đáp trả nhằm vào những kẻ đã gây ra vụ thảm án, ban biên tập của Charlie Hebdo hôm qua thông báo sẽ ra số mới vào ngày 14.1 với số lượng phát hành dự kiến là 1 triệu bản (bình thường lượng phát hành là 60.000 tờ/tuần).
Trong ngày 8.1, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên án vụ khủng bố tàn bạo nói trên. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Đây là cuộc tấn công vào những giá trị mà chúng ta yêu mến, giá trị mà chúng ta đại diện, giá trị của tự do báo chí, tự do nói chung và phẩm giá con người”.
Giáo hoàng Francis cũng đã cầu nguyện cho các nạn nhân trong buổi lễ hôm qua. Thủ tướng Úc Tony Abbott thì mô tả vụ tấn công là “hành động man rợ” giữa lúc người dân nước này đổ ra đường để bày tỏ sự ủng hộ với quyền tự do ngôn luận. Trong khi đó, đa số các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về vụ thảm sát ở trang nhất, với nhiều bức biếm họa xúc động, có nhiều tờ còn in màu đen để tưởng niệm các nạn nhân.
Hai nghi can chính Chérif (trái) và Saïd KouachiHai nghi can chính Chérif (trái) và Saïd Kouachi
Báo động an ninh
Chính phủ Pháp ngoài việc tổ chức quốc tang vào ngày 8.1 để tưởng niệm các nạn nhân đã huy động hơn 3.000 cảnh sát để truy tìm 2 nghi phạm chính hiện được cho là 2 anh em ruột Chérif (32 tuổi) và Saïd Kouachi (34 tuổi). Trong 2 người này, Chérif Kouachi từng bị kết án 3 năm tù giam, được hưởng 18 tháng tù treo vào năm 2008 vì tham gia tổ chức Buttes Chaumont chuyên huấn luyện các thanh niên Pháp để gửi sang “chiến đấu” cùng các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Iraq.
Một người cũng là bà con của 2 anh em Kouachi bị cảnh sát nghi ngờ có liên quan đã ra trình diện vào sáng 8.1. Người này hiện chưa bị cáo buộc gì nhưng vẫn bị tạm giữ. Ngoài ra, cảnh sát còn bắt giữ 7 người là thân nhân của 2 nghi phạm để phục vụ điều tra. Theo Kênh truyền hình France 3, vào tối 8.1 (giờ VN), cảnh sát và hiến binh đã bao vây một khu nhà tại thị trấn Crépy-en-Valois thuộc vùng Picardie, giáp ranh với phía đông bắc của vùng Paris Ile-de-France (gồm thủ đô Paris và các khu ngoại ô). Nhiều khả năng 2 nghi phạm Chérif và Saïd Kouachi đang trốn trong khu nhà này.
Trong khi đó, tình hình an ninh ở Paris tiếp tục ở mức báo động cao nhất khi nhiều vụ tấn công liên tiếp xảy ra trong ngày 8.1. Theo tờ Le Figaro, sáng qua, một kẻ mang theo súng ngắn đã bắn vào một nhóm cảnh sát đang tuần tra ở khu Montrouge, phía nam Paris làm ít nhất 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng. Le Figaro dẫn lời các nhân chứng cho biết hung thủ mặc đồ đen và cạo trọc đầu. Hiện tên này đã trốn thoát.
Thông tin ban đầu cho thấy, nhiều khả năng vụ tấn công ở Montrouge không liên quan đến vụ thảm án trước đó 1 ngày và hung thủ có thể là một người có vấn đề về tâm lý. Cũng trong hôm qua, một số vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo đã được ghi nhận ở nhiều thành phố của Pháp.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Quỳnh Chi, một Việt kiều làm việc gần tòa soạn báo Charlie Hebdo kể lại: “Chỗ làm của tôi cách nơi 2 tay súng để xe ở đại lộ Richard Lenoir chỉ khoảng 100 m. Đây cũng là địa điểm bọn này đọ súng với nhóm cảnh sát đầu tiên trên đường tẩu thoát. Tuy nhiên, do phòng làm việc đóng kín cửa vào mùa đông và được cách âm tốt nên tôi không hay biết gì. Vài tiếng sau khi xảy ra vụ xả súng, tôi tan sở và đi xuống đường thì thấy cảnh sát và các cơ quan truyền thông tập trung đen nghịt, đường thì bị phong tỏa, trạm tàu điện ngầm Richard Lenoir bị đóng cửa. Khi ấy, tôi mới biết đã xảy ra một vụ nghiêm trọng nhưng cũng không thể tưởng tượng sự việc lại khủng khiếp đến thế. Về tới nhà, xem truyền hình, tôi mới toát mồ hôi vì nhận ra vị trí 2 tay súng tấn công cảnh sát là nơi tôi đi qua hằng ngày và đặc biệt là ở gần đó có một công viên nhỏ, trẻ em trong khu phố rất thường ra chơi. Cũng may là sáng thứ tư, khi vụ đọ súng diễn ra, các cháu chưa tan học nếu không thì hậu quả thật khôn lường”. Theo chị Quỳnh Chi, người dân Paris tuy có lo lắng nhưng sự việc đã qua nên vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ có các tuyến tàu điện ngầm mà chị thường đi có vẻ vắng hơn mọi ngày.
VN lên án vụ tấn công
Chiều tối qua (8.1), khoảng 200 công dân Pháp đã có mặt tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Pháp tại VN Jean-Noël Poirier cho biết lễ tưởng niệm được tổ chức để những người Pháp tại Hà Nội có thể sát cánh cùng nhau bày tỏ niềm thương tiếc với những nạn nhân của vụ khủng bố này. Cùng ngày, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết VN lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo là một hành động dã man, không thể chấp nhận được. Ngày 8.1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có điện chia buồn và thăm hỏi gửi Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có điện chia buồn, thăm hỏi gửi Thủ tướng Pháp Manuel Valls và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có điện chia buồn gửi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius.
Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.