Thế giới chạy đua thử nghiệm các loại thuốc hiện có để trị vi rút Corona

04/02/2020 20:20 GMT+7

Các bác sĩ và nhà nghiên cứu đang đẩy mạnh thử nghiệm những loại thuốc hiện có để điều trị viêm phổi do vi rút Corona mới (nCoV) gây ra.

Bộ Y tế Thái Lan ngày 2.2 thông báo sức khỏe một bệnh nhân nhiễm vi rút Corona mới đã cải thiện sau khi dùng hỗn hợp thuốc cúm oseltamivir và thuốc điều trị HIV lopinavir, ritonavir. Trước khi dùng thuốc, nữ du khách Trung Quốc 71 tuổi không có dấu hiệu hồi phục trong 10 ngày kể từ khi được xác định nhiễm nCoV. Tuy nhiên, trong vòng 48 giờ sau khi dùng hỗn hợp thuốc này, sức khỏe của bà đã cải thiện và có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.

Bác sĩ Chợ Rẫy chữa bệnh do virus corona khác thế giới ra sao?

Đẩy mạnh thử nghiệm trên thuốc hiện có

Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm lâm sàng khoảng 30 loại thuốc hiện có, bao gồm cả hỗn hợp thuốc Thái Lan và thuốc chống nhiễm HIV Kaletra từ hãng dược Mỹ AbbVie. Hãng AbbVie tuyên bố sẽ quyên góp một số lượng thuốc Kaletra với tổng trị giá khoảng 2 triệu USD cho chính phủ Trung Quốc.
Các công ty dược đang cạnh tranh nhau để sớm tìm ra thuốc mới chống lại nCoV. Hãng GlaxoSmithKline ngày 3.2 tuyên bố sẽ hợp tác với Liên minh đổi mới trong chuẩn bị phòng chống dịch bệnh CEPI (trụ sở ở Na Uy) để phát triển vắc xin phòng nCoV. Hiện GlaxoSmithKline (trụ sở ở Anh) có 14 loại thuốc điều trị HIV trên thị trường, theo tờ Asian Nikkei Review.

492 người chết, gần 24.600 ca nhiễm vi rút corona toàn cầu

Một số nghiên cứu về các loại thuốc mới cũng đã được đăng tải trên những tạp chí chuyên ngành y khoa trực tuyến. Tính đến 4.2, có 8 nghiên cứu đã được công bố, bao gồm các loại thuốc của một hãng dược Nhật Bản sản xuất.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và một số chuyên gia khác đã công bố nghiên cứu về thuốc điều trị HIV nelfinavir của Nhật Bản ngày 28.1. Trong khi đó nhóm nghiên cứu tại Đại học quân y Trung Quốc và Đại học Tứ Xuyên ngày 30.1 đã công bố báo cáo về thử nghiệm dùng thuốc điều trị HIV của hãng Gilead Science (Mỹ) nhằm giúp chống lại nCoV. Tuy nhiên, cả 2 nghiên cứu này đều là mô phỏng trên máy tính, dấy lên mối hoài nghi về hiệu quả thật sự của thuốc điều trị HIV đối với bệnh nhân thực tế.

Bác sĩ Chợ Rẫy chữa bệnh do virus corona khác thế giới ra sao?

Vì sao chọn loại thuốc điều trị HIV?

Các loại thuốc hiện có được chọn dựa trên cách vi rút nCoV phát triển. Vi rút Corona mới, HIV và cúm là những vi rút RNA (là loại vi rút có RNA (axit ribonucleic) làm chất liệu di truyền) nên có những điểm tương đồng. Nhiều loại thuốc hiện có giúp gây ức chế sự phát triển của HIV nên được dự báo sẽ có tác dụng tương tự đối với nCoV.
Sử dụng các loại thuốc hiện có sẽ giúp tăng tốc độ phát triển dược phẩm mới. Lý do là quá trình phát triển thuốc mới thường phải mất hàng thập niên do phải tiến hành thử nghiệm kéo dài trên động vật và lâm sàng trên người.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Trung Quốc nới lỏng một số quy định để rút ngắn thời gian phát triển thuốc trị nCoV.
Vi rút Corona chủng mới lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi tháng 12.2019 và đến nay đã lây nhiễm hơn 20.000 người, làm chết 425 người ở Trung Quốc và lan sang hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, theo AFP.

Nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân nhiễm nCoV tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngày 24.1

Ảnh chụp màn hình SCMP

Cần thận trọng

Nhiều chuyên gia cảnh báo hiện không loại thuốc hiện có nào được chứng minh là hiệu quả trong điều trị vi rút Corona mới, do cần phải có thêm nhiều thử nghiệm nên khuyến cáo mọi người đừng đặt quá nhiều niềm tin.

Bản tin về virus corona ngày 3.2.2020: Phòng bệnh cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh

“Nhiều bệnh nhân chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ từ nCoV hoặc hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị. Chính vì thế, chúng ta không thể chắc chắn liệu một loại thuốc có sẵn thật sự giúp bệnh nhân hồi phục sau khi dùng hay không”, Hitoshi Oshitani, chuyên gia tại Đại học Y khoa Tohoku (Nhật Bản), cho biết.
Ông Oshitani đồng thời nhắc lại những nỗ lực tìm kiếm thuốc chống lại vi rút Corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.
“Lúc bấy giờ, có rất nhiều tin tức trên báo đài và nghiên cứu cho rằng thuốc điều trị bệnh khác giúp chống lại SARS. Tuy nhiên, cuối cùng thế giới cũng không có loại thuốc nào được chứng minh là trị SARS hiệu quả”, theo ông Oshitani.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.