ASEAN tiếp tục lo ngại về Biển Đông

23/07/2016 06:00 GMT+7

Tình hình Biển Đông tiếp tục là một trong những mối lo ngại lớn của các nước tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN và các hội nghị liên quan.

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 49, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 23 - 26.7 tại thủ đô Vientiane của Lào, nước hiện giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối.
Tham dự hội nghị lần này ngoài 10 nước ASEAN còn có đại diện 17 nước đối tác như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ... Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ có mặt.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn VN tham dự hội nghị với phương châm kiên trì lập trường nguyên tắc, linh hoạt và khéo léo xử lý những vấn đề phức tạp trên cơ sở đảm bảo đoàn kết, đồng thuận ASEAN và phù hợp với lợi ích của VN.
Theo dự kiến tại hội nghị lần này, các ngoại trưởng sẽ thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ngày 22.7, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM), dẫn đầu đoàn VN thảo luận nội dung cho hội nghị chính thức. Ông cho biết Biển Đông luôn là mối quan tâm của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Các nước cũng tiếp tục lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây. Vì thế, hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề đang được quan tâm là Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên, khủng bố và bạo lực cực đoan, nạn buôn bán người, di cư bất thường.
Ngoài ra, AMM-49 sẽ thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. Tại hội nghị lần này, VN sẽ đóng góp, nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò trung tâm của ASEAN, sự đoàn kết của ASEAN nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có Biển Đông.
“Việc nâng cao hiệu quả hợp tác của ASEAN với 17 nước đối tác, trong đó có Nga, Mỹ, tổ chức EU, Nhật, Hàn, Ấn Độ... cũng hỗ trợ thêm cho quan hệ hợp tác song phương, cụ thể là quan hệ VN - Ấn Độ khi VN là điều phối viên cho quan hệ hợp tác ASEAN - Ấn Độ”, ông Trung nói.
Theo nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á Caitlin McCaffrie, mặc dù hồi tháng 2 ASEAN đã tuyên bố “quan ngại sâu sắc” về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, tuy nhiên phép thử thật sự là sau phán quyết của Tòa trọng tài, liệu ASEAN có hỗ trợ Philippines trong việc thúc đẩy thực thi phán quyết đối với Trung Quốc hay không.
Trong khi đó, chuyên gia luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo, nói với Thanh Niên rằng Biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập tới hội nghị lần này. Thế nhưng, qua thực tế ASEAN và EU không đưa ra được tuyên bố sau phán quyết vừa rồi, vấn đề này sẽ có những bất đồng. “Chúng ta không nên lạc quan quá sớm là sau phán quyết thì tình hình Biển Đông sẽ ổn định ngay”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.