Báo đa ngôn ngữ bằng phần mềm dịch tự động

12/07/2009 11:42 GMT+7

La Tribune, tờ báo hàng đầu ở Pháp, đang phát triển ấn phẩm đa ngôn ngữ để thu hút độc giả toàn cầu bằng công cụ dịch tự động, không cần tới nhà báo và tạo ra nhiều tin bài hài hước, thậm chí bị chỉ trích xuyên tạc tin tức.

Ấn phẩm tiếng Anh trên trang web tờ La Tribune trong giai đoạn thử nghiệm gần đây cho đăng tải những dòng tít tối nghĩa do từ ngữ bị sắp xếp không phù hợp văn cảnh, hoặc dịch sai.

Tít bài về Ryanair khiến độc giả hiểu nhầm rằng hãng hàng không giá rẻ này bắt hành khách phải đứng. Bài báo Anh khác khiến độc giả tưởng rằng xe ôtô ở Trung Quốc bị phục kích.

Tít bài tiếng Anh khác viết: “Mỹ: Niềm tin khách hàng ở Bern làm giảm thâm hụt thương mại”. Tít bài này phạm sai sót lớn về địa lý vì thành phố Bern nằm tận Thụy Sĩ và tối nghĩa. Trong tít bài tiếng Pháp, từ “Bern” thực ra là “en berne” có nghĩa là giảm, nhưng phần mềm dịch tự động không phân biệt được.

“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp tin tức kinh doanh với nhiều ngôn ngữ khác nhau để hướng tới lượng độc giả mới trên internet”, Astrid Arbey, người phụ trách dự án mới của La Tribune, cho biết.

Một nhà báo giấu tên làm việc cho La Tribune nhận xét: “Chất lượng (các ấn phẩm tiếng nước ngoài trên trang web) thực sự rất tồi bởi vì không có sự tham gia của nhà báo.

Các ấn phẩm này làm tổn hại hình ảnh của La Tribune”. Nhà báo này cũng khẳng định không có tờ báo nào khác ở Pháp đi theo con đường của La Tribune vì họ hiểu rằng dịch tự động không thuộc lĩnh vực của báo chí.

Tất cả các bài báo bằng tiếng Pháp được phần mềm máy tính dịch tự động sang tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha và tiếng Italia.

La Tribune, nhật báo có lượng phát hành lớn thứ hai ở Pháp, còn lên kế hoạch cho ra mắt ấn phẩm tiếng Nhật và tiếng Trung vào cuối năm 2009 cũng bằng phần mềm dịch tự động.

Theo đánh giá ban đầu của quan chức La Tribune, hầu hết các bài báo tiếng Anh trên trang web của họ đều có thể hiểu được, nhưng nhiều từ ngữ còn kì quặc, tối nghĩa vì không phù hợp với văn cảnh.

Ông Arbey thừa nhận kết quả mà La Tribune có được vẫn còn cách xa so với mong đợi. Tuy nhiên, ông Arbey cũng cho biết phần mềm dịch tự động được cập nhật liên tục để các bài báo ngày càng hoàn thiện hơn.

Đài BBC (Anh) đang có cách làm hoàn toàn khác đối với trang web cung cấp tới 30 ngôn ngữ khác nhau khi sử dụng hàng trăm nhà báo. BBC khẳng định không có kế hoạch cắt giảm chi phí bằng cách áp dụng hướng đi mới của tờ La Tribune.

Phát ngôn viên BBC, Mike Gardner, cho biết, một số nội dung trên trang web của BBC được dịch sang tiếng nước ngoài, nhưng do nhà báo thực hiện.  “Nếu muốn tin tức có tính cộng hưởng, bạn cần nhà báo làm điều đó”, ông Mike giải thích.

Tại Tây Ban Nha, hãng thông tấn EFE cũng sử dụng phần mềm máy tính trong nhiều năm để dịch tin tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Bồ Đào Nha và Catalan. Tuy nhiên, tất cả các bài báo dịch bằng phần mềm máy tính của EFE đều được sửa chữa bởi các biên tập viên trước khi được xuất bản.

Phát ngôn viên EFE giải thích: “Điều này là có thể bởi vì tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Catalan tương tự nhau. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nó không thể thực hiện với tiếng Anh và chúng tôi có các phiên dịch viên tiếng Anh”.

Trong khi đó, La Tribune hiện chỉ có một người phụ trách các ấn phẩm tiếng nước ngoài và lên kế hoạch sớm tuyển mộ thêm một người nữa để biên tập các bài báo tiếng Anh.

Ông Arbey tin tưởng rằng, với sự can thiệp của con người, bài báo sẽ hoàn thiện hơn và giúp La Tribune thực hiện tham vọng thu hút thêm nhiều độc giả trên toàn thế giới bằng nhiều thứ tiếng.

Theo T.Đ (AFP/Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.