Bão mặt trời suýt kích hoạt chiến tranh hạt nhân

16/08/2016 14:56 GMT+7

Một cơn bão mặt trời gần như đã châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân vào năm 1967 sau khi làm tê liệt các trạm radar vừa được Mỹ triển khai để phát hiện tên lửa Xô Viết khai hỏa.

Từng làm việc cho Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) suốt 22 năm với vị trí chuyên gia điểm tin thời tiết, tiến sĩ Delores Knipp, hiện là giáo sư vật lý không gian của Đại học Colorado (Mỹ), đã đôi lần từng nghe đến “một sự cố” vào thập niên 1960, nhưng không biết gì thêm vì mọi thứ liên quan đến vụ này đều liệt vào dạng tài liệu mật.
Đến tháng 10 năm ngoái, tại một hội nghị ở Washington D.C, “sự cố” đó lại được đề cập để vinh danh một tư lệnh vừa qua đời. Thông qua việc đào bới các tài liệu được giải mật và các báo cáo liên quan, tiến sĩ Knipp mới đây đã công bố trên chuyên san Space Weather công trình nghiên cứu về câu chuyện từ lâu bị chôn vùi: một cơn bão mặt trời cách đây gần 50 năm hầu như đã đẩy các bên vào cuộc chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đang lên đến cao trào.
“Hành động gây chiến”
Vào thập niên 1950 và 1960, trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khối Warsaw do Liên Xô dẫn đầu, một loạt hệ thống radar cảnh báo sớm đã được Mỹ thiết lập nhằm phát hiện ngay thời điểm tên lửa đối địch rời khỏi bệ phóng. Mạng lưới đầu tiên được xây dựng nhằm phục vụ mục đích này là Hệ thống cảnh báo sớm từ xa (Distant Early Warning Line - DEW Line), bao gồm các trạm radar ở khu vực Bắc Cực. Vận hành từ năm 1957 - 1985, DEW Line được thiết lập để phát hiện các oanh tạc cơ Liên Xô đang tiếp cận, cũng như cảnh báo sớm bất cứ cuộc xâm lược bằng đường biển hoặc đường bộ.
Vào năm 1967, chỉ 5 năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, 3 trạm radar mới thuộc Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS), đã được đưa vào hoạt động tại Alaska, Greenland, và Anh nhằm bảo vệ đồng minh NATO trước nguy cơ tấn công đến từ Liên Xô. Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn sau 10 ngày, tức vào ngày 23.5, bộ ba này đột ngột ngưng hoạt động.
Hình mô phỏng ảnh hưởng của bão mặt trời lên trái đất Ảnh: NASA
Hình mô phỏng ảnh hưởng của bão mặt trời lên trái đất Ảnh: NASA
“Tất cả đều phát ra tín hiệu rõ rành rành là bị phá sóng”, theo tiến sĩ Knipp. Các tín hiệu đều bị chặn lại, đẩy những trạm radar này vào tình trạng vô hiệu hóa, về cơ bản đã tạo ra lỗ hổng khiến phương Tây bị “hở sườn” trước bất cứ mối đe dọa nào từ Liên Xô.
Lúc bấy giờ, cách giải thích khả dĩ nhất chính là một cuộc tấn công phối hợp của Liên Xô làm can nhiễu các trạm radar. Và mặc nhiên, trong thời kỳ đó đây được xem là hành động gây chiến có thể châm ngòi cho cuộc trả đũa hạt nhân. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) đã đặt các oanh tạc cơ chiến lược trang bị vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động sẵn sàng xuất kích và thế giới chỉ cách một cuộc chiến giữa các cường quốc hạt nhân chỉ vài phút. Tuy nhiên, nhờ vào một đơn vị “thời tiết không gian” mới thành lập, cuộc chiến đã được ngăn chặn kịp thời.
Vụ tấn công từ mặt trời
Theo trang Space.com, mặt trời cũng có thời tiết như trái đất, nhưng các cơn bão từ ngôi sao trung tâm của chúng ta có thể tác động đến toàn bộ hệ mặt trời, tống ra những đợt bùng nổ bức xạ điện từ và hạt ion hóa, phá hoại vệ tinh, mạng lưới điện và gây mất tín hiệu vô tuyến. Các cơn bão mặt trời cũng thường là nguyên nhân làm xuất hiện các đợt phun trào vật chất từ vành nhật hoa (CME), và xuất hiện dưới dạng cực quang ở phía bắc. Chỉ trong vòng 8 phút kể từ khi bão mặt trời hình thành, đợt bức xạ đầu tiên sẽ đập vào tầng khí quyển của địa cầu, cản trở hoạt động của mọi thứ phụ thuộc vào tín hiệu vô tuyến, như các hệ thống radar. Cường độ của bức xạ được đo bằng “mật độ thông lượng”.
“Con số này thường dừng ở mức 100, và vào đỉnh điểm của chu kỳ mặt trời, nó có thể lên đến 300. Vào ngày đặc biệt đó, máy chỉ mức 8.000”, tiến sĩ Knipp viết. Vết lóa mặt trời đánh sập các trạm radar vào năm 1967 được xem là một trong những “siêu bão” của thế kỷ 20.
Khi các trạm radar này bị vô hiệu hóa, công tác phòng thủ của phương Tây thuộc quyền kiểm soát của các tư lệnh không hề được tiếp cận với các số liệu từ mặt trời. Mặc dù thời tiết không gian đã được ghi nhận từ năm 1182 với ghi nhận đầu tiên về cái gọi là vệt đen ở mặt trời, nhưng việc theo dõi bức xạ từ ngôi sao trung tâm bằng kính viễn vọng vô tuyến vẫn chưa được thực hiện cho đến thập niên 1940. Một nhóm các nhà khoa học chỉ bắt đầu làm việc tại trụ sở NORAD ở núi Cheyenne (bang Colorado) khoảng một năm trước khi siêu bão mặt trời hạ gục các trạm radar của Mỹ.
Trên thực tế, NORAD là đơn vị duy nhất nhìn xa trông rộng về vấn đề này. May mắn là NORAD cũng tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Thông tin từ đơn vị thời tiết đã được báo cáo kịp thời đến các chỉ huy không quân và các quan chức cấp cao khác, có lẽ bao gồm cả Tổng thống Lyndon Johnson. Nhờ đó, các máy bay chiến đấu được hủy bỏ tình trạng sẵn sàng xuất kích và đưa ra khỏi đường băng. Cũng kể từ đó, quân đội Mỹ đã rút ra bài học và xây dựng các hệ thống dự báo thời tiết không gian mạnh hơn để ứng phó với những biến động từ vũ trụ.
Nguy cơ dai dẳng
Dù nguy cơ hủy diệt từ chiến tranh hạt nhân do vết lóa mặt trời đã chìm vào quá khứ, thời tiết hỗn loạn của ngôi sao trung tâm vẫn là mối nguy cho cuộc sống ngày nay trên trái đất. Bất chấp các biện pháp được triển khai nhằm ngăn chặn tình huống xấu phát sinh, các cơn bão mặt trời và những đợt bùng nổ năng lượng liên quan tiếp tục là vấn đề phức tạp chưa giải quyết được đối với hoạt động viễn thông và vệ tinh.
Hay nói cách khác, giới chuyên gia địa cầu vẫn chưa tính toán được thời điểm các hạt lượng tử ánh sáng (photon) sẽ lại ập đến, làm gián đoạn các sóng vô tuyến tần số cao, GPS và các thiết bị liên lạc cơ bản. Còn những CME nhanh nhất có thể tác động đến từ trường địa cầu trong vòng 30 giây, khiến mọi thứ không thể nào trở tay kịp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.