Bão phá hủy lô tên lửa S-400 từ Nga sang Trung Quốc

19/02/2019 16:35 GMT+7

Một lô hàng tên lửa phòng không S-400 vận chuyển từ Nga sang Trung Quốc bị bão làm hư hỏng buộc phải tiêu hủy, và Nga sẽ sản xuất lô hàng mới thay thế, theo xác nhận của Tập đoàn Rostec (Nga) ngày 18.2.

Theo TASS, tại Triển lãm quốc phòng IDEX-2019 ở Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE) ngày 18.2, Tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Rostec (Nga), ông Sergei Chemezov cho báo chí biết một tàu vận tải chở lô hàng tên lửa S-400 cùng các thiết bị đi kèm đã bị bão làm hư hỏng khi đi ngang eo biển Anh (còn gọi là eo biển Manche, giữa Pháp và Anh) hồi đầu năm 2018. Tàu phải quay lại cảng của Nga và lô hàng trên buộc phải tiêu hủy.

"Hợp đồng đã được ký trước đó. Việc giao hàng đã được tiến hành. Đáng tiếc là một tàu hàng chở các tên lửa này gặp phải bão. Chúng tôi buộc phải tiêu hủy toàn bộ tên lửa và sản xuất lô hàng mới để thay thế”, ông Chemezov nói.

S-400 bắn thử milru

Theo TASS, Trung Quốc và Nga ký kết việc mua 6 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 vào tháng 11.2014, tổng giá trị ước khoảng 3 tỉ USD. Việc giao hàng được tiến hành bằng 3 chuyến tàu. Chuyến tàu xuất phát từ Nga cuối năm 2017 thì gặp bão khi đi ngang eo biển Anh đầu tháng 1.2018 làm hư hỏng các tên lửa và phụ kiện. Hai chuyến tàu khác đã đến Trung Quốc vào đầu tháng 5.2018.

Tổng giám đốc Rostec, ông Sergei Chemezov xác nhận với phóng viên tại IDEX-2019 về việc lô hàng S-400 chở bằng tàu sang Trung Quốc bị bão làm hư hỏng, và thừa nhận trong số này có loại tên lửa đánh chặn tầm xa 40N6 (tầm bắn xa 400 km, độ cao đến hơn 180 km) Ảnh tài khoản twitter Steve Trimble

S-400 bị hư hỏng như thế nào ?

Theo Hãng tin RBC (Nga), vào cuối tháng 12.2017, một tàu chở hàng (trang tin hàng hải MarineTraffic xác định là tàu Nikifor Begichev, đăng ký ở Murmansk, Nga) xuất phát từ cảng Ust-Luga (vùng Leningrad, phía tây bắc Nga) chở lô hàng là các thiết bị và tên lửa của hệ thống S-400 sang Trung Quốc.

Khi ra Đại Tây Dương, ngang qua eo biển English thì tàu gặp phải trận bão mạnh kéo dài nhiều ngày, sóng cao từ 2 – 4 m, gió mạnh khiến các gá đỡ và dây chằng buộc thiết bị và tên lửa bị hư hỏng, làm phá hủy lô hàng này.

Các loại tên lửa của S-400 mil.ru

Lô hàng mà tàu Nikifor Begichev chuyên chở có các dàn radar đa chức năng, các tên lửa phòng không cùng những thiết bị điện tử, phụ kiện đi kèm. Thuyền trưởng buộc phải cho tàu quay lại cảng xuất phát, và phía Nga sau đó cho tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên.

Còn một nguồn tin của tập đoàn nhà nước Rosoboronexport (đơn vị ký hợp đồng cung cấp S-400 cho Trung Quốc) cho RBC hay bão không làm các thiết bị của S-400 xê dịch mà đơn giản là radar cùng tên lửa bị nước biển tràn vào.

Để khắc phục hậu quả, Rostec cho biết sẽ sản xuất lô hàng mới thay thế để cung cấp cho Trung Quốc theo hợp đồng. Công ty Almaz-Antey của Rostec sẽ đảm nhận việc này. Ít nhất đến năm 2020 Trung Quốc mới có thể nhận được lô hàng này.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph (NATO gọi là SA-21 Growler) có tầm bắn xa tối đa 400 km, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa, UAV...) từ độ cao 5 m đến 27 km. Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km. Hệ thống này được Nga đưa vào sử dụng từ tháng 8.2007. Trung Quốc là nước đầu tiên được Nga cung cấp loại vũ khí này. S-400 được cho có khả năng bắn hạ cả máy bay tàng hình.

Một tổ hợp S-400 thường có 8 bệ phóng di động (4 ống phóng/bệ) với 32 tên lửa và một trạm chỉ huy, đi kèm xe radar đa năng, radar đo độ cao cùng xe điều khiển radar.

Đầu tháng 1.2019, TASS cho biết Trung Quốc đã bắn thử thành công lần 2 hệ thống S-400 mua từ Nga, sau lần bắn thử thành công hồi cuối năm 2018. Theo đó, tên lửa của S-400 đã bắn hạ mục tiêu đang bay ở tốc độ 600 m/giây. Lần bắn thử trước đó, tên lửa S-400 bắn hạ 1 mục tiêu giả định tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 250 km, đang bay với tốc độ 3 km/giây.

Xem S-400 diễn tập bắn đạn thật (nguồn: TV Zvezda)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.