Bên trọng, bên khinh

06/12/2016 09:05 GMT+7

Cả Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lẫn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều sử dụng gần như cùng ngôn từ và tông điệu phê trách Pakistan, cáo buộc Islamabad dung túng khủng bố nhiều hơn là thật sự chống khủng bố.

Cuối cùng, đến hội nghị lần thứ 6 đang diễn ra ở thành phố Amritsar (Ấn Độ) trong khuôn khổ diễn đàn có tên gọi Tiến trình Istanbul cấp bộ trưởng của khu vực trung tâm châu Á (Heart of Asia Istanbul Ministerial Process), chính phủ Afghanistan đã không còn giấu giếm sự chuyển dịch từ cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan thiên lệch hẳn sang phía Ấn Độ.
Việc này sẽ làm thay đổi rất cơ bản cục diện quan hệ ở khu vực Nam Á cũng như trong chính khuôn khổ diễn đàn nói trên.
Khuôn khổ diễn đàn này được thành lập năm 2011 ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, với mục đích tạo diễn đàn để trao đổi về các vấn đề khu vực, đặc biệt về tăng cường an ninh ở Afghanistan và hợp tác chính trị, kinh tế giữa Afghanistan với các nước tham gia.
Tại hội nghị năm nay, cả Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lẫn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều sử dụng gần như cùng ngôn từ và tông điệu phê trách Pakistan, cáo buộc Islamabad dung túng khủng bố nhiều hơn là thật sự chống khủng bố.
Trước đó, Ấn Độ và Afghanistan đã thỏa thuận nhiều dự án hợp tác song phương cũng như cùng nhau đề xướng một số chương trình hợp tác đa phương ở khu vực. Cả mức độ tin cậy và gắn bó, phạm vi và chất lượng quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước này đều vượt xa mức độ quan hệ của từng nước với Pakistan.
Tình trạng bên trọng bên khinh như thế của Afghanistan khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc khó xử. Hai đối tác này có lợi ích khác nhau ở Afghanistan, nhưng đều cần cả Afghanistan lẫn Pakistan. Trung Quốc còn muốn gạt bỏ ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan. Sự điều chỉnh chính sách của Afghanistan làm đảo lộn suy tính lợi ích và chiến lược của họ ở Afghanistan và khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.