Bí ẩn mắt bão khổng lồ trên sao Mộc có thể nuốt chửng Trái đất

11/07/2017 17:23 GMT+7

Juno, phi thuyền của NASA trên quỹ đạo sao Mộc, đã có mặt bên trên Mắt bão đỏ khổng lồ biểu tượng của hành tinh này, và là một trong những cơn bão nổi tiếng nhất của hệ mặt trời.

“Mắt bão đỏ khổng lồ" (tiếng Anh Great Red Spot) bí ẩn có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của sao Mộc”, theo trang tin Space.com dẫn lời Scott Bolton, nhà khoa học chịu trách nhiệm sứ mệnh Juno.

Với kích thước hơn 16.000 km bề rộng, cơn bão đủ rộng để có thể nuốt chửng cả Trái đất, và nó xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, có thể đã hơn 350 năm tuổi và lọt vào tầm mắt quan sát của nhân loại trên địa cầu từ năm 1830.

Vào 8 giờ 55 ngày 11.7 (giờ VN), tàu Juno di chuyển đến bên trên mắt bão nổi tiếng, ở khoảng cách 9.000 km.

Toàn bộ 8 thiết bị trên phi thuyền, bao gồm camera màu JunoCam, sẽ được bật trong quá trình bay, cho phép giới khoa học nhìn xuyên những lớp mây dày của sao Mộc.

Mắt bão được cho là xuất hiện từ hàng trăm năm trước NASA

Các chuyên gia NASA theo dõi sát sao những dữ liệu được Juno truyền về với hy vọng có thể giải mã nguồn gốc và sự tiến hóa của hành tinh khí khổng lồ này.

Đến nay, nhân loại vẫn chưa hình dung được cơn bão kéo dài liên tục nhiều trăm năm và có bề ngang hơn 16.000 km là như thế nào. Cơn bão khủng khiếp nhất từng được ghi nhận trên Trái đất chỉ quét được 1.600 km. Trong khi đó, gió bão trên sao Mộc đạt vận tốc hơn 640 km/giờ, gấp đôi sức giật của những cơn bão hung tợn nhất trên địa cầu.

Juno đã được phóng từ Mũi Canaveral, bang Florida, vào ngày 5.8.2011, và đến sao Mộc vào ngày 4.7.2016.

Trong năm đầu tiên ở hành tinh lớn nhất hệ mặt trời, phi thuyền di chuyển khoảng 114 triệu km trên quỹ đạo sao Mộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.