Bóng ma 'chiến binh Hồi giáo' ở Đông Nam Á

13/07/2014 09:00 GMT+7

Nguy cơ khủng bố bao trùm Đông Nam Á khi công dân nhiều nước trong khu vực tự nguyện sang Syria, Iraq chiến đấu cùng các nhóm Hồi giáo cực đoan.

 Bóng ma “chiến binh Hồi giáo” ở Đông Nam Á
Các tay súng Hồi giáo diễu binh ở tỉnh Raqqa, Syria - Ảnh: Reuters

Tại Singapore, mối lo về những công dân xuất ngoại chiến đấu như những tên khủng bố và một ngày kia sẽ trở về tấn công chống lại quê hương đã trở thành một chủ đề nóng ở Quốc hội. Trả lời các nghị sĩ, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Teo Chee Hean ngày 9.7 cho biết chính quyền phát hiện “một số công dân Singapore đã sang Syria tham chiến”. “Nhiều người cũng có ý định đi nhưng đã bị phát hiện và ngăn chặn”, và một số khác có hành động kết nối với các nhóm vũ trang nước ngoài qua mạng internet đang bị chính quyền điều tra hoặc quản chế theo đạo luật An ninh nội địa, ông Teo nói.

Ông Teo tránh đưa ra những con số, nhưng dẫn ra vài ví dụ cụ thể. Đó là trường hợp công dân gốc Ấn Haja Fakkurudeen Usman Ali đem theo cả vợ và 3 con nhỏ, hoặc một phụ nữ Singapore mang cả chồng là người nước ngoài và 2 con tuổi vị thành niên sang Syria trực tiếp tham gia chiến đấu, hoặc làm công tác hậu cần cho các tay súng...

Nằm kế cận Indonesia, đại bản doanh của nhóm khủng bố Jemaah Islamiah (JI) có liên hệ với al-Qaeda, Singapore cũng từng có nhiều công dân theo JI. Ba tháng sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001, Singapore đã phát hiện và đập tan kịp thời âm mưu đánh bom hàng loạt cơ sở an ninh, ngoại giao và dân sự của đảo quốc. Chiến dịch tiêu diệt khủng bố được tiến hành ngay sau đó buộc các thành viên JI đào tẩu sang Indonesia hoặc miền nam Philippines. Singapore từ đó chưa bao giờ lơ là công tác giáo dục và phòng chống nguy cơ khủng bố. 

Lò lửa Syria và Iraq

Trong khi đó, ở nước láng giềng Malaysia, chính quyền cho hay đã có trên 30 công dân sang Syria và Iraq, nhưng con số thật có thể đến 100. Trong đó, 15 người đã chết khi tham chiến ở Syria, và một thanh niên 26 tuổi nhân danh “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIL) đánh bom cảm tử ngày 26.5.2014 giết chết 25 người. Chính quyền Malaysia đã bắt ít nhất 18 người có liên quan đến Syria, gồm cả hai binh sĩ thuộc Hải quân hoàng gia. Indonesia thì cho hay đã có 56 công dân của họ tham gia chiến đấu ở Syria và Iraq, phần lớn là các phần tử JI và Jemaah Anshorut Tauhid (JAT) do chính giáo chủ Abu Bakar Bashir, lãnh đạo tinh thần của JI, lập ra.

Theo số liệu của tổ chức tình báo Soufan Group ở New York (Mỹ), đã có khoảng 12.000 người nước ngoài đến Syria rồi sang Iraq tham chiến với Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda tại Syria, và ISIL kể từ khi nội chiến diễn ra ở Syria suốt 3 năm qua. Phó thủ tướng Singapore Teo Chee Hean chỉ ra rằng con số này cao hơn cả số người nước ngoài đến Afghanistan tham gia cuộc chiến với Liên Xô hồi thập niên 1980 rồi lập ra tổ chức khủng bố al-Qaeda. “Có một sự tương đồng giữa cuộc khủng hoảng Syria và cuộc chiến Liên Xô - Afghanistan”, ông Teo nói. Ông cũng bày tỏ quan ngại: “Những chiến binh nước ngoài tại Syria rồi đây có thể trở về quê hương, mang theo những kỹ năng khủng bố. Họ có thể tổ chức các cuộc khủng bố trên chính đất nước mình hay ở nước khác”. Được biết, mạng lưới JI ở Đông Nam Á có nhiều phần tử được huấn luyện bởi al-Qaeda ở Afghanistan. Chính nhóm này đã thực hiện vụ đánh bom đảo du lịch Bali, Indonesia năm 2002 làm chết 202 người. 

Điểm nóng Indonesia

Trong lúc các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia và Philippines đều có những điều luật cấm, xử lý nặng các hành vi liên quan đến nhóm vũ trang và khủng bố, thì tại quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới Indonesia, những hoạt động này vẫn công khai. Điều đó cũng phần nào giải thích lý do JI mọc rễ từ quốc gia này. Sau vụ Bali năm 2002, với sự hỗ trợ của Úc và Mỹ, biệt đội chống khủng bố Densus 88 ra đời và triệt phá đáng kể những mạng lưới vũ trang. Tuy vậy, gần 5 năm qua, Indonesia gần như không bị tấn công khủng bố lớn, khiến công tác chống khủng bố có phần lơ là. Nguy cơ các “chiến binh Syria” tái tập hợp, vì thế trở nên hết sức đáng ngại ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này, theo nhận định của các chuyên gia.

Mặt khác, phần đông người Hồi giáo Indonesia thuộc phái Sunni nên “những phần tử quá khích của nước này coi ISIL là phôi thai của một “Nhà nước Hồi giáo”, mục tiêu tối thượng mà cuộc đời họ hướng đến”, Solahudin, tác giả cuốn Nguồn gốc khủng bố ở Indonesia nhận định. Vậy nên, việc ISIL gần đây chiếm một số thành phố của Iraq được các “chiến binh” Indonesia tin là “cuộc giải phóng” những người Sunni ở Iraq, với đa phần là Hồi giáo dòng Shiite.

Vì vậy, khi lãnh đạo Abu Bakar al-Baghdadi của ISIL tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” ngày 29.6, các website thánh chiến tại Indonesia đã dậy sóng. “Nhiều người đã lên kế hoạch đến Syria như một chuyến đi không hẹn ngày về”, hai chuyên gia V.Arianti và Robi Sugara viết trên mục bình luận của Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore). Chính giáo chủ Abu Bakar Bashir ban đầu vốn không thuận với ISIL cũng lên tiếng kêu gọi người Hồi giáo Indonesia ủng hộ ISIL. “Indonesia sẽ đối mặt với một vấn đề cực lớn khi những phần tử này quay trở về từ Trung Đông. Và ai cũng đồng ý về điều này”, một quan chức an ninh không muốn nêu tên của Indonesia phát biểu. 

Vai trò của mạng xã hội

Không giống thời chiến tranh Liên Xô - Afghanistan với sự ra đời của al-Qaeda, “mạng xã hội và internet ngày nay đã thay đổi luật chơi trong cuộc xung đột ở Syria”, ông Teo Chee Hean nói. “Chúng tôi nhận ra rằng nhiều người thể hiện nguyện vọng chiến đấu ở Syria sau khi họ bị kích động bởi những hình ảnh, bài viết trên mạng. Số khác thì bị thu hút bởi hình ảnh quá oai hùng của các tay súng vác vũ khí trên mạng xã hội”, ông Teo tiết lộ. “Khác với hồi thập niên 1990, nay các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube được những tay súng sử dụng rộng rãi để gửi thông điệp và tâng bốc các “cảm tử quân”. Chính sự phát triển của mạng xã hội đã giúp ISIL trở nên phổ biến rộng rãi”, ông M.Fachry, chủ nhiệm website vũ trang al-mustaqbal.net tại Indonesia phát biểu.

Ngày 11.6, từ nguồn tin của Canberra, cảnh sát Philippines đã bắt công dân Úc Robert Cerantonio trên đảo Cebu khi phát hiện ông này dùng mạng xã hội kêu gọi ủng hộ xung đột ở Syria, Iraq và chiêu mộ những cảm tình viên trẻ. “Rõ ràng là ông ta kêu gọi tử vì đạo. Nhưng chúng tôi còn đang kiểm chứng các báo cáo nói rằng nhiều người Hồi giáo Philippines đã đáp lời”, một quan chức tình báo của Manila nói với Reuters.

Hiểm họa toàn cầu

Không chỉ ở Đông Nam Á, tình trạng người Hồi giáo sang Syria tham chiến cũng diễn ra ở Úc và nhiều nước châu u. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho hay có khoảng 150 công dân nước này đã đi “chiến đấu” ở Syria và Iraq, trong đó nhiều người giữ vai trò cầm đầu. Trong vài tháng qua, chính quyền cũng đã hủy một “số lượng đáng kể” hộ chiếu của công dân có dấu hiệu gây mất an ninh, bà Bishop cho biết. Còn tại châu u, đã có 130 trong số 900.000 công dân Hồi giáo của Hà Lan gia nhập các nhóm khủng bố Trung Đông gần đây. Vương quốc Bỉ với 630.000 công dân Hồi giáo thì có khoảng 300 người tham gia. Pháp với 4,7 triệu người Hồi giáo đã “đóng góp” 900 “chiến binh” cho riêng Syria. Anh, Đức, Na Uy cũng được cho là có nhiều công dân tình nguyện đi theo “lý tưởng” này.

Mối họa “chiến binh Syria” trên thực tế đã xảy ra. Một công dân Pháp trở về từ Syria đã tấn công một bảo tàng Do Thái ở Bỉ hôm 24.5.2014 làm chết 4 người. Tên này trên đường về châu u từ Syria đã ghé qua Thái Lan, Malaysia và Singapore, theo Phó thủ tướng Singapore Teo Chee Hean “nhiều khả năng là để che giấu hành tung”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> ‘Nóng ruột’ với Mỹ, Iraq cậy đến Iran, Syria
>> Iraq: ISIL chiếm được chốt biên giới với Syria, Jordan
>> Vũ khí hóa học được dùng 'một cách hệ thống' tại Syria
>> ISIL tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.