Bóng ma chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên

31/05/2009 22:40 GMT+7

Kỳ 1: Khởi nguồn cuộc chiến Những diễn biến căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên làm nhiều người nhớ về cuộc chiến đẫm máu xảy ra cách đây gần 60 năm, và chưa thực sự kết thúc.

Ở thủ đô Washington D.C của nước Mỹ ngày nay, có một khu tưởng niệm gợi lại quá khứ tang thương tại vùng Đông Á. Khu tưởng niệm gồm 19 bức tượng binh sĩ với trang phục rách bươm, ánh mắt buồn rượi, soi bóng lên một bức tường láng. 19 bức tượng cùng 19 hình bóng phản chiếu trên tường tạo thành con số 38, nhắc người ta về vĩ tuyến 38, nơi phân chia hai miền nam bắc bán đảo Triều Tiên.

Đã gần 60 năm kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, vĩ tuyến 38 vẫn còn cắt ngang bán đảo Triều Tiên. Những diễn biến căng thẳng gần đây càng khiến người ta liên tưởng đến cuộc chiến điêu tàn đó. Và khi CHDCND Triều Tiên mới đây tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn, người ta chợt giật mình nhớ ra rằng, cuộc chiến năm xưa vẫn chưa thực sự chấm dứt và nguy cơ xung đột vẫn hiện diện.

Chiến tranh chưa qua

Sau một thời gian dài dưới ách đô hộ của Nhật Bản - từ đầu thế kỷ 20 đến Thế chiến 2, độc lập và hòa bình trở thành một khát vọng to lớn của nhân dân Triều Tiên. Đến lúc Thế chiến 2 đi vào giai đoạn cuối, với sự thất thế của Nhật Bản càng ngày càng rõ, người Triều Tiên bắt đầu mơ tới một kỷ nguyên hòa bình, độc lập. Nhưng rồi, những diễn biến sau đó cho thấy giấc mơ ấy vẫn chưa thể thành hiện thực.

 

Bán đảo Triều Tiên vào tháng 5.1950, ngay trước khi xảy ra chiến tranh - Ảnh: Wikipedia

Vào giai đoạn Thế chiến 2 dần khép lại, quân đội của cả Liên Xô và Mỹ bắt đầu giải phóng nhiều khu vực ở bán đảo Triều Tiên từ tay quân Nhật. Tháng 8.1945, quân Liên Xô tiến xuống vĩ tuyến 38. Gần như cùng lúc, trung tướng John R.Hodge chỉ huy quân Mỹ kéo vào Triều Tiên qua ngã Incheon và sau đó tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật tại Seoul.

Những thỏa ước với sự dàn xếp của các nước lớn và bỏ qua nguyện vọng thiết thực của nhân dân Triều Tiên sau đó đã dẫn tới một vết cắt ngang bán đảo ở vùng Đông Á. Vết cắt đó chạy qua vĩ tuyến 38 và trên thực tế, đã chia bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia riêng biệt kể từ sau Thế chiến 2. Ở miền Bắc, một chính quyền với vị lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) được Liên Xô ủng hộ đã ra đời vào những năm cuối của thập niên 1940, còn ở miền Nam, một chính quyền thân Mỹ cũng được thành lập với người đứng đầu là Tổng thống Syngman Rhee (Ri Seung-man - Lý Thừa Vãn), người từng du học ở Mỹ. Trong giai đoạn này, có một số nỗ lực thống nhất bán đảo Triều Tiên đã được triển khai nhưng không có kết quả. Chẳng hạn vào năm 1948, hai miền Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Nhưng tình trạng đối đầu chính trị và sự xung khắc ý thức hệ đã tạo ra một bầu không khí lạnh nhạt phủ lên cuộc họp. Và sau đó các bên đã ra về mà không thu được kết quả nào. Một cơ hội thống nhất và hòa hợp dân tộc đã bị bỏ lỡ, cũng như sau này người ta đã bỏ lỡ thêm nhiều cơ hội tương tự nữa.

Vào thời điểm hình thành hai quốc gia ở hai phía vĩ tuyến 38, cũng là lúc những xung đột giữa hai cực của Chiến tranh lạnh. Mối xung đột quốc tế này cộng với ý muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên là tiền đề dẫn tới sự bùng nổ của một trong những cuộc chiến tranh hao người tốn của nhất trong thế kỷ 20 - chiến tranh Triều Tiên.

Chiến tranh lại tới

Bán đảo Triều Tiên rộng 223.170 km2, nằm ở vùng Đông Á. Trước Thế chiến 2, quốc gia Triều Tiên thống nhất bị Nhật Bản xâm chiếm. Sự phân chia hai miền Triều Tiên bắt đầu vào năm 1945. Đến năm 1948, quốc gia Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ra đời ở phía nam vĩ tuyến 38, còn ở phía bắc, nước CHDCND Triều Tiên cũng được thành lập. Hàn Quốc có diện tích 100.032 km2, CHDCND Triều Tiên rộng 120.540 km2. Cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào tháng 6.1950 đã tạm khép lại vào tháng 7.1953 bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Vì chưa có hiệp ước hòa bình, bán đảo Triều Tiên từ đó đến nay vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Trong suốt giai đoạn khi chính quyền hai miền mới hình thành sau Thế chiến 2, nhiều sự kiện máu chảy đầu rơi đã xảy ra. Theo cuốn Nguồn gốc của Chiến tranh Triều Tiên của tác giả Bruce Cumings, xuất bản tại Mỹ năm 1981, thì có nhiều cuộc đình công và khởi nghĩa của nhân dân Triều Tiên đã nổ ra để chống lại chính sách của chính quyền thân Mỹ ở miền Nam. Ở miền Bắc, nội tình ít được biết đến hơn.

Song song với tình hình bất ổn ở hai miền, các hoạt động gián điệp và quân sự đầy thù địch mà hai bên nhằm vào nhau ngày càng tăng. Không ít vụ chạm súng đẫm máu giữa quân đội hai miền Nam - Bắc đã xảy ra trên vùng giới tuyến ở vĩ độ 38. Những mâu thuẫn dồn nén, tích tụ lâu ngày đã trở thành điều kiện chín muồi cho một cuộc chiến tranh. Và rồi, cuộc chiến đã bùng nổ.

Theo cuốn Tóm lược lịch sử Chiến tranh Triều Tiên của tác giả James Stokesbury, xuất bản tại Mỹ năm 1990, vào trước bình minh của ngày chủ nhật 25.6.1950, lực lượng bộ binh của miền Bắc với sự yểm trợ của pháo mặt đất đã vượt vĩ tuyến 38 tiến xuống miền Nam. Miền Bắc tố cáo rằng quân đội Hàn Quốc với sự chỉ huy của "trùm phản quốc Syngman Rhee" đã vượt qua giới tuyến trước, nên cuộc tấn công của miền Bắc là hành động trả đũa. Miền Bắc còn nói rằng Syngman Rhee đáng bị bắt và xử tử.

Cuốn Phía nam tới sông Naktong, Phía bắc tới sông Yalu (Yalu tức sông Áp Lục chảy giữa biên giới CHDCND Triều Tiên với Trung Quốc) của tác giả Roy Appleman (xuất bản tại Mỹ năm 1998) cho hay vào thời điểm chiến tranh khởi phát, miền Bắc vượt trội miền Nam về sức mạnh quân sự. Lúc này, dù quân chính quy Liên Xô cơ bản đã không còn đóng ở bán đảo Triều Tiên, nhưng phương tiện chiến đấu của họ vẫn được để lại rất nhiều. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Vào lúc khởi đầu chiến cuộc, quân đội miền Bắc huy động khoảng 231.000 binh sĩ, 274 xe tăng Type-58 (do Trung Quốc sản xuất, dựa trên dòng tăng T-34 của Liên Xô), 150 máy bay tiêm kích Yak, 110 máy bay cường kích, 200 dàn pháo, 78 máy bay huấn luyện Yak và 25 máy bay do thám tham chiến. Đó là chưa kể hải quân cùng các lực lượng đóng tại miền Bắc không trực tiếp tham gia khi cuộc chiến bắt đầu.

Đối chọi với miền Bắc, miền Nam có khoảng 98.000 quân, một ít máy bay và pháo, hầu như không có xe tăng. Đồng minh Mỹ lúc này chủ yếu chỉ duy trì các cố vấn quân sự tại bán đảo Triều Tiên, còn lực lượng chiến đấu hùng hậu của họ đóng tại Nhật Bản và các khu vực khác ở Thái Bình Dương, nên việc điều động quân để hỗ trợ Hàn Quốc cần phải có thời gian. Đó là lý do giải thích vì sao quân miền Bắc đã tiến xuống miền Nam rất nhanh trong giai đoạn đầu chiến cuộc.

Vậy là chỉ khoảng 5 năm sau khi Thế chiến 2 chấm dứt, người dân trên bán đảo Triều Tiên lại bị đẩy vào một cuộc chiến khác, ác liệt không kém những cuộc chiến mà họ từng trải qua.

(Kỳ tới: Tràn xuống miền Nam)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.