Các nhà báo của Charlie Hebdo đã không lùi bước trước mọi sự đe dọa

08/01/2015 21:02 GMT+7

(TNO) Các nhà báo của Charlie Hebdo đã không lùi bước trước mọi sự đe dọa. Đây là chia sẻ của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean - Noël Poirier với báo chí Việt Nam hôm nay 8.1, về vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo.

(TNO) Các nhà báo của Charlie Hebdo đã không lùi bước trước mọi sự đe dọa. Đây là chia sẻ của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean - Noël Poirier với báo chí Việt Nam hôm nay 8.1, về vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo.

dai-su-phapĐại sứ Pháp tại Việt Nam - Ảnh: Trường Sơn

Ông có thể chia sẻ một số suy nghĩ của mình về vụ khủng bố gây chấn động diễn ra tại tòa soạn báo Charlie Hebdo vừa qua?

Đại sứ Jean - Noël Poirier: Chúng tôi hết sức đau buồn khi nhận được thông tin về vụ khủng bố tại tòa báo Charlie Hebdo. Đây là hành động đã được tính toán kỹ lưỡng và mức độ bạo lực rất ghê gớm. Những kẻ thủ ác đã mong muốn tạo ra một sự chấn động và gây ra chết chóc trong vụ tấn công khủng bố này.

Quả thực tòa báo Charlie Hebdo đã có những khúc mắc với thế giới Hồi giáo từ nhiều năm nay. Năm 2006, sau khi cho đăng tải lại một bức tranh biếm họa của một tờ báo của Đan Mạch thì đã có những mâu thuẫn giữa cộng đồng Hồi giáo với Charlie Hebdo. Cộng đồng Hồi giáo cũng đã có những vụ kiện chống lại Charlie Hebdo nhưng Charlie Hebdo đã thắng kiện. Dù vậy, những tổ chức Hồi giáo cực đoan đã kêu gọi có những hành động trả thù nhằm vào Charlie Hebdo. Những gì mà chúng ta chứng kiến diễn ra hôm qua tại Paris là một điều đáng tiếc. Đây quả thực là đòn đánh mạnh vào tự do báo chí và trên đó là đánh vào những giá trị của nền Cộng hòa của Pháp.

* Trước khi vụ thảm sát xảy ra, sự đe dọa với tòa báo Charlie Hebdo đã diễn ra từ lâu nhưng Charlie Hebdo vẫn bảo vệ quan điểm của mình và tiếp tục thể hiện tiếng nói. Hành động đó được coi như việc thể hiện tinh thần tự do ngôn luận, một giá trị mà họ theo đuổi. Ông có chia sẻ gì về điều đó?

Đúng là các nhà báo của tòa soạn Charlie Hebdo đã ý thức được những nguy cơ mà họ phải đối mặt khi đưa ra những tác phẩm châm biếm như chúng ta đã biết. Nhưng những tác phẩm đó là phương châm, là lẽ sống của tờ báo đó. Họ đã lựa chọn và không thể đi theo con đường khác được. Tôi muốn khẳng định lại rằng cuộc khủng bố này không chỉ tấn công vào một tòa báo mà vào những giá trị cơ bản của nước Pháp.

* Với tư cách một công dân Pháp, ông có cảm nhận như thế nào sau khi nhận được thông tin về vụ việc đáng tiếc này?

Quả thực vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo đã gây ra một chấn động lớn cho cộng đồng Pháp trên toàn thế giới cũng như cộng đồng Pháp tại Việt Nam. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng với những người chưa biết tờ báo này thì tôi có thể nói đơn giản Charlie Hebdo cũng giống như tờ Tuổi Trẻ Cười ở Việt Nam. Đây là một tờ báo châm biếm ở nhiều mức độ khác nhau và theo văn hóa của nó thì có thể châm biếm cả các chính trị gia hoặc những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo nữa. Ở Pháp, Charlie Hebdo được coi như một biểu tượng của tự do ngôn luận.

Những gì đã xảy ra với Charlie Hebdo đã gây chấn động với người dân Pháp. Hôm qua ở Pháp đã có hàng trăm nghìn người xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ trước hàng động tàn bạo này. Tối nay chúng tôi cũng tổ chức một lễ tưởng niệm nhỏ để những người Pháp tại Hà Nội có thể sát cánh cùng nhau bày tỏ niềm thương tiếc với những nạn nhân của vụ khủng bố này.

Tổng thống Pháp cũng đã ra một tuyên bố chính thức khẳng định hành động này là hành động tấn công vào cả nền cộng hòa của nước Pháp, xâm phạm quyền tự do ngôn luận, xâm phạm cả những giá trị văn hóa thiêng liêng của Pháp. Đây là lúc tất cả người Pháp cần sát cánh bên nhau để chống lại chủ nghĩa khủng bố.


Chiều 8.1, khoảng 200 công dân Pháp sống tại Hà Nội đã tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố được tổ chức tại Đại sứ quán Pháp - Ảnh: Ngọc Thắng

* Có phải Pháp đã bắt đầu cảm nhận được mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo cực đoan hay không? Pháp đánh giá về những nguy cơ của mối đe dọa này như thế nào và sẽ làm gì để đối phó?

Đây không phải lần đầu tiên nước Pháp bị khủng bố tấn công. Năm 1980, nước Pháp cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn như thế này. Với kinh nghiệm của mình, Pháp có những công cụ để xử lý được nạn khủng bố. Đối với trường hợp của Charlie Hebdo, trước vụ tấn công này đã có một chế độ bảo vệ của cảnh sát với tòa soạn nhưng đáng tiếc sự bảo vệ đó chưa đủ để ngăn chặn thảm kịch xảy ra.

Những kẻ thực hiện vụ khủng bố này cũng là những kẻ cảnh sát Pháp đã từng biết đến, đã có tiền án tiền sự, đã từng vào tù và được lập hồ sơ vì những hành động tôn giáo cực đoan. Ở Pháp có một công cụ là chương trình chống khủng bố hiện đang được triển khai ở mức độ cao nhất. Lực lượng quân đội và cảnh sát được triển khai ở tất cả các khu vực có nguy cơ cao, các tổ chức hồi giáo cực đoan có khả năng tiến hành các hoạt động khủng bố cũng đang được giám sát hết sức sát sao. Có thể nói rằng Pháp cũng có kinh nghiệm để xử lý, đối mặt với khủng bố như thế này.

Đây cũng không phải vấn đề chỉ liên quan đến Pháp mà còn liên quan quốc tế nên Pháp cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước láng giềng. Dĩ nhiên không thể hy vọng có thể dập tắt mọi nguy cơ khủng bố nhưng tôi cho rằng hiện tại Pháp đã hoạt động khá hiệu quả trong việc chống lại các nguy cơ khủng bố đặc biệt trên cơ sở hợp tác quốc tế.

* Theo các thông tin ban đầu những kẻ khủng bố trong vụ việc này có gốc là người nhập cư. Liệu Pháp sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn nhóm đối tượng này? Trong thời gian tới Pháp cũng sẽ xiết chặt việc nhập cư đối với người nước ngoài vào Pháp?

Những kẻ khủng bố vừa qua là những người được sinh ra tại Pháp và có quốc tịch Pháp. Nói cụ thể, cha mẹ họ là những người nhập cư vào Pháp còn họ là thế hệ nhập cư thứ hai. Họ là những người Pháp gốc nước ngoài chứ không phải người nước ngoài. Theo quan điểm của tôi, ở đây vấn đề chính sách nhập cư không có liên quan trực tiếp đến vụ việc.

Câu hỏi đặt ra là vì sao những thanh niên trẻ tuổi lại đi đến con đường Hồi giáo cực đoan như vậy? Câu trả lời liên quan nhiều đến việc giáo dục và sự hội nhập của tầng lớp thanh niên đó vào xã hội Pháp. Làm sao để họ đi đúng hướng mới là vấn đề chứ không phải chuyện nhập cư.

Nói đến vấn đề khủng bố ở Pháp thì cũng khá rộng chứ không chỉ liên quan trường hợp này. Ví dụ gần đây có những người Pháp đăng ký tham chiến ở Syria cùng các lực lượng Hồi giáo. Đó không phải là những người vừa nhập cư mà là những người sinh ra ở Pháp. Ở Pháp cũng đã có nhiều cuộc tranh luận về chính sách nhập cư nhưng đây là chính sách chung của cả cộng đồng trong khối Schengen. Chính vì vậy đây là vấn đề mà Pháp sẽ phải bàn bạc với các quốc gia thành viên của khối Schengen để đưa ra quyết định chung. Nhưng về mặt nguyên tắc chúng tôi vẫn bảm đảm nguyên tắc tự do đi lại trong khối Schengen.

Cần nói thêm là mặc dù cuộc khủng bố gây chấn động nhưng chúng tôi có thể khẳng định những kẻ khủng bố chỉ liên quan đến một cộng đồng cực kỳ nhỏ vài trăm người ở Pháp mà thôi. Đó là cộng đồng đi theo hướng bạo lực cực đoan.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.