Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang

19/09/2010 10:34 GMT+7

Các chuyên gia kinh tế thế giới lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ bùng nổ khi Washington gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh trước kỳ bầu cử quốc hội tháng 11 tới.

Theo Reuters, mới đây 93 nghị sĩ Mỹ đã gửi thư thúc giục lãnh đạo Đảng Dân chủ tại hạ viện lên lịch bỏ phiếu thông qua một dự luật xác định Trung Quốc là nước “phá giá tiền tệ”. Các nghị sĩ Mỹ muốn quốc hội thông qua dự luật này trước kỳ bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới. Dự luật cải cách tiền tệ vì thương mại công bằng sẽ cho phép Bộ Thương mại Mỹ áp nhiều loại thuế chống phá giá đối với “hàng nhập khẩu gây tổn thương từ bất cứ quốc gia nào phá giá tiền tệ”.

Trong cuộc điều trần trước quốc hội hôm 16-9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tránh dùng chữ “phá giá tiền tệ” để mô tả Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Geithner xác nhận dù hồi tháng 5 Bắc Kinh tuyên bố sẽ điều chỉnh “linh hoạt” tỉ giá đồng NDT, nhưng trong ba tháng qua giá đồng NDT chỉ tăng vỏn vẹn 1,5% so với đồng USD (hiện 1 USD đổi được 6,72 NDT). “Việc điều chỉnh giá đồng NDT diễn ra quá chậm và quá hạn chế”, ông Geithner khẳng định. Ông Geithner cũng cáo buộc Trung Quốc làm lơ với tình trạng ăn cắp bản quyền và công nghệ Mỹ tràn lan ở nước này, khiến Mỹ thiệt hại hàng tỉ USD và mất hàng triệu việc làm.

Chưa hết, Reuters cho biết mới đây đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk tuyên bố chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đưa hai đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Washington cáo buộc Bắc Kinh phân biệt đối xử với các công ty thẻ tín dụng Mỹ, ưu tiên các hãng tài chính nhà nước. Mỹ cũng xác định Trung Quốc đã áp đặt biện pháp trừng phạt thương mại bất hợp pháp với mặt hàng thép Mỹ dùng trong máy biến thế điện, lò phản ứng và các thiết bị sản xuất điện năng khác. Nếu WTO xử Mỹ thắng, Washington sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt trả đũa các sản phẩm Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là điều khó tránh khỏi. “Sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng - Mỹ là nước thâm hụt lớn nhất, còn Trung Quốc có thặng dư lớn nhất - dẫn tới điều không thể tránh khỏi là một tình trạng cực kỳ rối ren”, báo Christian Science Monitor dẫn lời giáo sư kinh tế - tài chính Michael Pettis thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Khi mùa bầu cử tháng 11 đến gần, giới nghị sĩ và quan chức Mỹ đang nóng lòng ghi điểm. Trong tình cảnh nền kinh tế tăng trưởng rất chậm và tỉ lệ thất nghiệp đang lên đến 9,6% bất chấp hàng loạt gói kích thích, chiến thuật gây sức ép với Trung Quốc là cách thức hợp lý để lấy lòng cử tri.

Theo Tân Hoa xã, mới đây chuyên gia Đinh Nhất Phàm, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc hội Trung Quốc, đe dọa nếu Mỹ trừng phạt thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ bán ồ ạt trái phiếu Mỹ (hiện Trung Quốc đang nắm hơn 1,5 tỉ USD trái phiếu Mỹ). Giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là một lời đe dọa suông, bởi Bắc Kinh cũng sẽ thiệt hại lớn nếu bán trái phiếu Mỹ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng bác bỏ khả năng sử dụng “vũ khí nguyên tử” này.

Giới quan sát cho rằng một cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Bộ trưởng Geithner đã cảnh báo trước quốc hội rằng nền kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ sẽ điêu đứng nếu Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ, áp dụng các biện pháp trả đũa.

Giáo sư Hướng Tùng Tộ, phó chủ tịch Viện tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc còn e dè chiến tranh thương mại hơn cả Mỹ. Nguyên nhân do dù đang nỗ lực khai thác thị trường nội địa, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. “Ngành xuất khẩu tạo ra rất nhiều việc làm ở Trung Quốc, và nếu xuất khẩu giảm, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng, dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội - giáo sư Hướng khẳng định - Mà ổn định xã hội là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo Trung Quốc”.

Bất chấp những tuyên bố lớn tiếng của cả hai bên, một cuộc chiến thương mại là khả năng không dễ xảy ra.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.