Chiến lược Phản đòn thứ ba của Mỹ

21/02/2016 07:00 GMT+7

Trước áp lực từ nhu cầu ứng phó tình hình chiến lược và quân sự mới, Lầu Năm Góc đang thiết kế và triển khai chiến lược Phản đòn thứ ba.

Trước áp lực từ nhu cầu ứng phó tình hình chiến lược và quân sự mới, Lầu Năm Góc đang thiết kế và triển khai chiến lược Phản đòn thứ ba.

Triển khai các UAV theo dạng “bầy đàn” là một phần trong chiến lược mới của Mỹ - Ảnh: DARPATriển khai các UAV theo dạng “bầy đàn” là một phần trong chiến lược mới của Mỹ - Ảnh: DARPA
Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực thuyết phục quốc hội duyệt chi 71,8 tỉ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển trong năm tài khóa 2017, bao gồm 3,6 tỉ USD dự chi cho thử nghiệm khái niệm chiến lược Phản đòn thứ ba nhằm duy trì ưu thế quân sự trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
Theo trang tin Defense News, con số này nằm trong ngân sách tổng thể 18 tỉ USD mà Lầu Năm Góc quyết định phân bổ cho chương trình Quốc phòng tương lai (FYDP) nhằm nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan đến chiến lược Phản đòn thứ ba.
Nhu cầu trước thách thức mới
Sau hơn một thập niên tập trung chống chiến tranh du kích với đối thủ là các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan, quân đội Mỹ đang đối mặt một thế giới đầy gai góc khi các đối thủ tiềm tàng đạt những tiến bộ vượt bậc về quân sự.
Trong 15 năm Mỹ bận rộn với Afghanistan và Iraq, Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên cùng một số bên khác đã và đang dồn sức cải tiến năng lực bộ binh, hải quân, không quân, thậm chí không gian lẫn chiến tranh điện tử. Moscow đẩy mạnh các dự án đóng tàu, xe tăng, máy bay thế hệ kế tiếp, trong khi Bắc Kinh hiện đại hóa không - hải quân với tốc độ chóng mặt. Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa với tầm bắn được cho là có thể vươn đến Mỹ.
Trong khi đó, Washington lại đang chịu áp lực phải cắt giảm ngân sách quốc phòng. Rõ ràng Lầu Năm Góc cần một chiến lược khác trong hoàn cảnh hiện tại và theo những gì được quảng bá gần đây, đó là chiến lược Phản đòn thứ ba.
Theo tạp chí The Week, chiến lược Phản đòn thứ nhất ra đời từ thập niên 1950 nhằm đối phó ưu thế của Liên Xô trong mảng bộ binh quy ước bằng những dòng vũ khí hạt nhân chi phí thấp. Chiến lược Phản đòn thứ hai được thai nghén vào thập niên 1980 bao gồm các kế hoạch đẩy mạnh phát triển công nghệ mới đột phá để bù đắp sự thua sút về quân số so với Liên Xô. Với chiến lược Phản đòn thứ ba, Lầu Năm Góc tìm cách duy trì ưu thế quân sự toàn cầu với ngân sách eo hẹp hơn trước sự vươn lên của các bên khác.
Cốt lõi của chiến lược mới là tìm kiếm những công nghệ hiện đại với chi phí thấp hơn, tân trang cải tiến để trang bị năng lực chiến đấu mới cho khí tài có sẵn, tập trung phát triển mảng không người lái và vũ khí đa nhiệm, đồng thời khai thác tối đa nhược điểm của đối thủ.
Trong cuộc họp báo công bố dự thảo ngân sách quốc phòng ngày 2.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter giới thiệu một loạt dự án mới mà quân đội Mỹ đã và đang đầu tư. Theo chuyên trang The Diplomat, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình hiện có đang được triển khai theo chiến lược mới như oanh tạc cơ tầm xa, máy bay tiếp dầu KC-46A Pegasus, tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm tấn công nhanh ngoài khơi lẫn cận bờ lớp Virginia… Các tiến bộ trong lĩnh vực máy bay không người lái (UAV), những dòng vũ khí có hệ thống và cảm biến cũng như các công nghệ tân tiến nhưng rẻ tiền như laser và súng điện từ cũng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tương lai của quân đội Mỹ.
Chiến lược Phản đòn thứ ba của Mỹ 2B-52 có thể sẽ đóng vai trò kho vũ khí trên không - Ảnh: Không lực Mỹ
“Lên đời” vũ khí
Một khía cạnh quan trọng của chiến lược Phản đòn thứ ba chính là triển khai mọi thứ với số tiền càng “kiêng khem” càng tốt trong thời điểm cả thế giới cần thắt lưng buộc bụng. Do đó, nâng cấp các dòng vũ khí có sẵn với công nghệ mới là một phần chủ lực của chiến lược.
Ngoài chương trình chuyển đổi công năng tên lửa Tomahawk thành vũ khí chống tàu với tầm bắn lên đến hơn 1.800 km, Bộ trưởng Carter còn tiết lộ Lầu Năm Góc đang xem xét khái niệm “kho vũ khí bay” nhằm khắc phục một trong những vấn đề nan giải nhất của quân đội Mỹ là “thiếu hụt về lượng” so với lực lượng đông đảo hơn rất nhiều của các đối thủ tại Đông Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ hiện có khoảng 350 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 và tất cả chỉ mang số lượng giới hạn vũ khí để duy trì khả năng tàng hình lẫn chiến đấu cơ động. Vì thế, trong trường hợp giả định xảy ra chiến tranh ở Thái Bình Dương, chẳng hạn như liên quan đến Biển Đông hoặc Đài Loan, chiến đấu cơ Mỹ sẽ bị áp đảo bởi hơn 1.000 máy bay Trung Quốc. Vì thế, ý tưởng của “kho vũ khí bay” là tận dụng các oanh tạc cơ cỡ lớn đời cũ như B-52 và B-1 mang thật nhiều vũ khí hạng nặng phối hợp tấn công với F-22 và F-35.
Cụ thể, các tiêm kích F-22 và F-35 sẽ tận dụng ưu thế tàng hình cơ động để xâm nhập chiến trường, phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho oanh tạc cơ bay ở khoảng cách an toàn phía sau. Do đã được đội chiến đấu cơ đi theo bảo vệ nên B-52 và B-1 không cần thiết phải trang bị công nghệ tàng hình. Tất cả những gì oanh tạc cơ cần là mang theo thật nhiều vũ khí và tấn công những mục tiêu được chỉ thị. Theo chuyên san Aviation Week, không quân Mỹ hiện có hơn 130 oanh tạc cơ đời cũ và mỗi chiếc mang được khoảng 35 tấn vũ khí đạn dược. Thậm chí, có chuyên gia đề xuất trang bị luôn tên lửa đối không cho các loại máy bay chuyên ném bom mặt đất này. “Về cơ bản, chúng tôi đã tính toán kết hợp các hệ thống khác nhau để tạo ra năng lực toàn diện mới”, Aviation Week dẫn lời Bộ trưởng Carter nói.
Một chương trình cải biến công năng khác là nâng cấp các thế hệ súng hải quân và súng bắn đạn trái phá (howitzer) của bộ binh, để cả hai dòng vũ khí này có thể bắn hạ tên lửa tầm xa. Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ “chế biến” lại đạn siêu tốc được thiết kế cho vũ khí điện từ để phù hợp với phiên bản howitzer Paladin của lục quân và súng 5 inch có trên mọi tàu khu trục và tàu tuần duyên của Mỹ. Dự kiến, hệ thống vẫn chưa đặt tên sẽ biến hàng trăm khẩu súng hiện có trở thành vũ khí tiêu diệt đầu đạn tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ cực nhanh.
Cũng trong cuộc họp báo hồi đầu tháng, Bộ trưởng Carter còn đề cập dự án sử dụng UAV theo chiến lược “bầy đàn” để gây nhiễu đối thủ. Các chiến đấu cơ đóng vai trò như “tàu sân bay thu nhỏ”, mang theo hàng chục UAV cỡ nhỏ đến khu vực xung đột và phóng chúng với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh. Kế đến, các UAV phát tín hiệu radar và điện tử đặc trưng của máy bay mẹ để ngụy trang và gây phức tạp hóa kế hoạch tác chiến của thế lực đối địch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.