Chính giới Úc xôn xao vì tỉ phú Hoa kiều

07/06/2017 10:10 GMT+7

Truyền thông Úc vừa gióng hồi chuông báo động về tầm ảnh hưởng sâu rộng của các doanh nhân Hoa kiều trong chính trường nước này.

Phóng sự điều tra do tổ hợp truyền thông Fairfax Media và chương trình Four Corners của Đài ABC phối hợp tiến hành mở đầu bằng thông tin về một cuộc bố ráp căn hộ của ông Roger Uren, cựu quan chức tình báo Úc từng có lần được cân nhắc bổ nhiệm làm đại sứ tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc bố ráp vào tháng 10.2015 không phải là ông Uren mà là người vợ gốc Hoa của ông - bà Nghiêm Thụy Tuyết (Sheri Yan).
Những “mạnh thường quân” đáng ngờ
Được mệnh danh là “nữ hoàng giao tế” trong cộng đồng người Hoa ở Úc nhờ những mối quan hệ sâu rộng với các chính khách, nhà ngoại giao và doanh nhân hàng đầu ở Úc, bà Nghiêm lúc đó đang bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại New York trong vụ án hối lộ cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe. Bà Nghiêm hiện thụ án tù 1 năm 8 tháng ở Mỹ còn ông Ashe đột ngột qua đời vì tai nạn lúc tập tạ vào tháng 6.2016, ngay trước khi ra tòa.
Trong loạt phóng sự đăng tải tối 5.6, Fairfax Media và Four Corners tiết lộ giới chức Tổng cục Tình báo an ninh Úc (ASIO) đã phát hiện nhiều tài liệu mật của Úc về hoạt động của tình báo Trung Quốc tại căn hộ của ông Uren. ASIO tiến hành khám xét sau khi thu thập được thông tin cho thấy bà Nghiêm có thể làm việc cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Cáo trạng của bà Nghiêm bao gồm cáo buộc hối lộ ông Ashe 200.000 USD để ông này đến phát biểu trong hội nghị diễn ra ở khu nghỉ dưỡng tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) của tỉ phú người Úc gốc Hoa Chu Trạch Vinh. Ông Chu được đề cập với bí danh CC3 trong vụ án của bà Nghiêm song không bị truy tố về bất kỳ tội danh nào.
Cuộc bố ráp nói trên chỉ hé lộ một phần nhỏ trong nỗ lực được truyền thông Úc mô tả là một chiến dịch thâm nhập và lũng đoạn chính giới Úc thông qua việc đóng góp tiền gây quỹ cho các đảng chính trị. Điều tra của Fairfax Media và Four Corners tiết lộ ông Chu và một tỉ phú gốc Hoa khác là Hoàng Hướng Mặc, trực tiếp hoặc thông qua các cộng sự và tổ chức của mình, trong hơn 1 thập niên qua đã đóng góp khoảng 6,7 triệu AUD (5 triệu USD) cho các chính đảng lớn ở Úc, gồm cả Công đảng và hai đảng thuộc liên đảng cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull là đảng Tự do và đảng Quốc gia. Tỉ phú Chu đã có quốc tịch Úc trong khi hồ sơ nhập tịch của ông Hoàng bị ASIO chặn lại vì những lo ngại về mối quan hệ của ông này với Bắc Kinh. Cả 2 nhà tỉ phú bất động sản gốc Hoa đều là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) ở tỉnh Quảng Đông.

Can thiệp lập trường về Biển Đông?
Những thông tin mà ASIO nắm được về 2 “mạnh thường quân” đáng lo ngại đến mức Giám đốc ASIO Duncan Lewis vào năm 2015 đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 3 đảng chính trị lớn để nêu ra nghi vấn, đồng thời cảnh báo không nên nhận tiền đóng góp từ hai người này. Tuy nhiên, liên đảng và Công đảng sau đó vẫn tiếp tục nhận tiền đóng góp của họ, lần lượt là 897.960 và 200.000 AUD.
Tiết lộ đáng chú ý trong cuộc điều tra của truyền thông Úc là nghi vấn ông Hoàng, Hội trưởng Hội Xúc tiến thống nhất hòa bình Trung Quốc ở châu Úc, can thiệp vào lập trường chính sách của Công đảng trước kỳ tổng tuyển cử năm 2016. Cụ thể, tỉ phú này đe dọa rút lại cam kết đóng góp 400.000 AUD (300.000 USD) cho Công đảng sau khi phát ngôn viên quốc phòng Stephen Conroy của đảng này kêu gọi Canberra triển khai tàu tham gia tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Ngay ngày hôm sau, trong cuộc gặp gỡ với báo chí tiếng Hoa cùng với tỉ phú Hoàng, thượng nghị sĩ Công đảng Sam Dastyari đưa ra phát biểu trái ngược hoàn toàn với quan điểm với Công đảng về Biển Đông. Ông nói: “Biển Đông là vấn đề riêng của Trung Quốc. Về vấn đề này, Úc nên giữ trung lập và tôn trọng quyết định của Trung Quốc”.
Tiết lộ của truyền thông Úc lập tức gây xôn xao trong chính giới nước này, làm dấy lên những lời kêu gọi cấm đảng chính trị nhận tiền đóng góp có nguồn gốc nước ngoài. Thủ tướng Malcolm Turnbull hôm qua cho hay ông đã ra lệnh rà soát luật về gián điệp và luật liên quan đến hoạt động của chính phủ nước ngoài ở Úc. Lãnh đạo Công đảng Bill Shorten cũng cho hay đảng của ông từ nay sẽ không nhận tiền từ ông Chu hoặc ông Hoàng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố các bài báo của truyền thông Úc là “hoàn toàn vô căn cứ”, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.