Chông chênh đường trở lại mặt trăng

08/10/2009 15:11 GMT+7

NASA thiếu tiền và chính quyền Obama thiếu quyết tâm, giấc mơ trở lại mặt trăng của cường quốc không gian Mỹ có nguy cơ không thành. Nhưng sau khi phát hiện mặt trăng có nước và Trung Quốc có khả năng trở thành nước đầu tiên lập tiền đồn trên đó, Mỹ có thể sẽ thay đổi sách lược

Cách đây 40 năm, với chương trình Apollo, hai nhà du hành vũ trụ Mỹ Armstrong và Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Sau đó, lần lượt có thêm 10 phi hành gia Mỹ đi bộ trên mặt trăng, trở về trái đất an toàn và mang về nhiều mẩu đá mặt trăng, đánh dấu một thành tích vang dội của chương trình du hành vũ trụ Mỹ.

40 năm sau, Tổng thống Barack Obama ủy nhiệm một ủy ban bao gồm các nhà khoa học, cựu phi hành gia và cựu giám đốc điều hành do ông Norm Augustine, cựu giám đốc điều hành Công ty Lockheed Martin, làm chủ nhiệm (gọi tắt là Ủy ban Augustine), thẩm định lại chương trình đưa người vào vũ trụ của NASA (cơ quan quản lý không gian vũ trụ Mỹ), chủ yếu là kế hoạch quay trở lại mặt trăng.

Thiếu tiền, khó mong trở lại

Sau 5 tháng làm việc, ngày 8-9, Ủy ban Augustine đã tải lên trang web của Nhà Trắng và NASA nội dung tóm tắt bản báo cáo dài 12 trang của ủy ban. Bản báo cáo nhận định rằng nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục cắt bớt 3,1 tỉ USD ngân sách hằng năm của NASA và chính phủ không quyết tâm thì sẽ “không thể quay trở lại mặt trăng”.

Ngân sách hằng năm của NASA hiện nay là 18 tỉ USD, trong đó đã chi 7,7 tỉ USD cho chương trình đưa người trở lại mặt trăng. Trên thực tế, giá trị đích thực của ngân sách này đã giảm 20% do đồng đô la mất giá. Giáo sư hàng không Edward Crawley của Học viện Công nghệ Massachussetts (MIT), một thành viên của Ủy ban Augustine, nhận xét: “Với ngân sách đó, NASA không thể đi xa hơn quỹ đạo trái đất”. Bởi vì các chuyến thám hiểm có người trong vũ trụ là quan trọng và “đáng đồng tiền bát gạo”, theo ông Crawley, phải thay đổi các kế hoạch của NASA hiện nay.

Cách đây 5 năm, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush chỉ đạo NASA lập kế hoạch đưa các phi hành gia Mỹ trở lại mặt trăng vào năm 2020. Ông Bush cũng quyết định chấm dứt chương trình tàu con thoi vào năm 2010 và đóng cửa trạm không gian quốc tế (ISS) vào năm 2015. Chương trình tàu con thoi sẽ được thay thế bằng chương trình Constellation (Chòm Sao).

Cũng theo ý tưởng của ông Bush, đưa người lên mặt trăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng của Mỹ. Sao Hỏa mới là mục tiêu tối thượng. Lên cung trăng chỉ để thiết lập một căn cứ huấn luyện các phi hành gia cho các chuyến bay dài ngày tới sao Hỏa.

Thám hiểm ở đâu trước?

Ủy ban Augustine cho rằng tất cả những thời hạn mà ông Bush nêu ra cần được thay đổi. Đồng ý với mục đích tối thượng là sao Hỏa, ủy ban lại có ý kiến khác về chuyện quay trở lại mặt trăng. Theo ủy ban, nên thám hiểm trước những vật thể gần trái đất hơn rồi sau đó mới lên mặt trăng. Lý do: thám hiểm mặt trăng khó khăn gấp nhiều lần hơn thám hiểm các vật thể gần trái đất và cũng tốn nhiều tiền hơn, khoảng 100 tỉ USD từ nay đến năm 2020.

Đề nghị kế tiếp của ủy ban là tiếp tục chương trình tàu con thoi cho đến đầu năm 2011, thay vì ngày 1-10-2010. Bởi vì sau khi dẹp tàu con thoi, Mỹ lệ thuộc vào tàu Soyuz của Nga để đưa người lên trạm ISS ít nhất 6-7 năm nữa. Đó là khoảng thời gian để Mỹ phát triển thế hệ tàu vũ trụ mới của chương trình Chòm Sao.

Giá chở phi hành gia Mỹ lên trạm ISS bằng tàu Soyuz hiện nay là 50 triệu USD/người, không rẻ chút nào. Ủy ban đề nghị giao cho tư nhân chở chỉ tốn khoảng 20 triệu USD/người. Elon Musk, giám đốc điều hành công ty tư nhân SpaceX, xác nhận mức giá này, cho biết công ty ông đang phát triển tàu vũ trụ riêng của mình với tên lửa Falcon 9 sẽ được thử nghiệm vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Ủy ban cũng cho rằng kế hoạch dẹp trạm ISS của ông Bush vào năm 2015 sau 25 năm xây dựng và chỉ thực sự hoạt động trong vòng 5 năm là “không khôn ngoan”.

Tóm lại, theo ủy ban Augustine, cuộc thám hiểm vũ trụ sẽ thành công hơn nếu Mỹ hợp tác với các nước khác và các công ty tư nhân.

Các nhà lập pháp phẫn nộ

Ngày 15-9, Ủy ban Augustine đã bị các nhà lập pháp công kích dữ dội khi điều trần trước Ủy ban Khoa học và công nghệ hạ viện. Nữ nghị sĩ Gabrielle Giffords, Chủ tịch Tiểu ban Không gian và vũ trụ của hạ viện, lấy chồng phi hành gia, nhận xét: “Thay vì nói cho công chúng biết quốc hội cần làm gì với ngân sách hiện có để tối ưu hóa những cơ hội thành công thì các vị lại lờ đi chương trình Chòm Sao mà quốc hội đã ủng hộ và chi tiền trong bốn năm qua. Thật là đáng giận”.

Bà Giffords nói bà hy vọng ủy ban sẽ đưa ra những ý kiến giúp hoàn thiện chương trình Chòm Sao nhưng điều đó đã không xảy ra. Theo bà, những giải pháp thay thế của Ủy ban Augustine “giống như tranh châm biếm”, không đưa ra được những ý kiến xây dựng. Các hạ nghị sĩ khác, trong đó có bà Dana Rohrabacher, cũng tỏ ra thất vọng vì “chúng tôi không cần quý vị thông báo với chúng tôi rằng NASA đang gặp khủng hoảng tài chính”. Bà Dana chỉ trích các giải pháp thay thế của Ủy ban Augustine là “thiếu sáng tạo”.

Đáng chú ý nhất là ý kiến của hạ nghị sĩ Ralph Hall. Ông này thắc mắc tại sao chính phủ dám bỏ ra cả trăm tỉ USD để cứu nguy ngành ngân hàng và công nghiệp xe hơi nhưng bây giờ lại tranh cãi về số tiền 3 tỉ USD để giúp NASA vượt qua khó khăn. Theo ông, đã đến lúc nước Mỹ cần chứng minh rằng mình vẫn là thủ lĩnh trong công cuộc thám hiểm vũ trụ.

Theo Văn Anh / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.