Chuyên gia Nga nói về chiến lược châu Á của Tổng thống Trump

08/02/2017 15:15 GMT+7

Những chuyển động của chính quyền Donald Trump trong những tuần đầu đặt ra nhiều câu hỏi với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thanh Niên phỏng vấn chuyên gia Anton Tsvetov (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Nga) về một số vấn đề liên quan đến tác động của chúng đối với khu vực.

Theo ông, sự sụp đổ của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ảnh hưởng như thế nào đến các nước châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước như Việt Nam và Malaysia?

TPP hết sức được trông đợi ở châu Á. Nó được cho là sẽ thổi sức sống mới vào hoạt động thương mại xuyên Thái Bình Dương trước sự suy thoái toàn cầu trong dài hạn. Việt Nam và Malaysia kỳ vọng nhiều nhất vì là phía có tiềm năng hưởng lợi nhiều nhất. Đối với Việt Nam, TPP không chỉ là cách ủng hộ các chính sách châu Á của (Tổng thống Mỹ Barack) Obama, mà còn là động lực đến từ bên ngoài cho những cải cách rất cần thiết trong nước, đặc biệt là về luật lao động và doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Ông Anton Tsvetov là chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ở Nga Twitter của ông Tsvetov
       

Tuy nhiên, tôi không nghĩ tất cả đã mất đối với các nước đó, chắc chắn là không phải đối với Việt Nam. Đầu tiên, chúng ta có thể chứng kiến sự hồi sinh của TPP dưới hình thức một hiệp định được đàm phán lại hoặc đơn giản là dưới một cái tên khác. TPP là nạn nhân cho những cam kết tranh cử của Tổng thống Trump, nhưng bản thân ý tướng rất hấp dẫn đối với các tập đoàn Mỹ, nên chúng ta có thể dự kiến khuôn khổ này xuất hiện trở lại.

Ông có nghĩ Tổng thống Trump đã có một chiến lược rõ ràng cho châu Á-Thái Bình Dương? Và nếu có thì nó sẽ như thế nào?

Chúng ta đều đang cố gắng tìm hiểu chiến lược châu Á của ông Trump là gì. Dường như nếu có một chiến lược, thì nó vẫn chưa quá rõ ràng. Chúng ta có thể dự đoán rằng về nguyên tắc, Trump sẽ tìm cách thể hiện sự kiên quyết hơn ông Obama - ít nhất đây là thái độ thường được biểu lộ. Tân tổng thống nhiều khả năng sẽ nhạy cảm với bất cứ thứ gì thể hiện sức mạnh đang lên của Trung Quốc ở châu Á, mà ông Trump sẽ xem là dấu hiệu suy vi của Mỹ.

Có những lo ngại, nảy sinh từ một số tuyên bố của ông Trump, rằng các đồng minh của Mỹ sẽ ít được Washington chú ý. Nhưng một thành viên chủ chốt trong đội ngũ của ông Trum - Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - đã có các động thái trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc về sự cam kết của Mỹ với khu vực.

Ông có nghĩ Tổng thống Trump sẽ yêu cầu các đối tác của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc?

Tôi nghĩ chính quyền này sẽ là một đối tác khó khăn hơn cho Việt Nam so với ông Obama, và chúng ta có thể chứng kiến một sự thụt lùi trong cách các mối quan hệ với Mỹ phát triển

Ông Anton Tsvetov

Tôi nghĩ điều này có thể trở thành một trong những nguy cơ của quan điểm giản dị thái quá về đối ngoại. Hầu hết các quốc gia trong khu vực, đặc biệt những quốc gia không có hiệp ước liên minh với Mỹ, chỉ có thể tồn tại bằng hành động cân bằng tinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với tất cả các nước này, Trung Quốc là đối tác thương mại, đầu tư và phát triển then chốt; và đòi hỏi phải "chọn" sẽ là một vấn đề gây tổn hại như thời Chiến tranh Lạnh. Tôi cho rằng sẽ có những người trong đội ngũ của ông Trump hiểu được bản chất của cân bằng và sẽ không thúc đẩy "một sự chọn lựa".

Một nồng ấm tiềm năng trong quan hệ Mỹ - Nga sẽ tác động thế nào đến châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam?

Nếu sự nồng ấm quan hệ Mỹ - Nga xảy đến (và đó là một chữ "nếu" rất lớn), kết quả cũng có thể tích cực cho các mối quan hệ ở châu Á nữa. Lo ngại chính của Nga trước nay là sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Á - đây là lo ngại chung của Nga và Trung Quốc. Nên nếu ông Trump có thể làm cách nào đó thuyết phục được Moscow rằng ông ấy không có ý định chống lại tầm ảnh hưởng của Nga ở ngoài nước và thách thức sự chính danh của chính phủ ở trong nước, thì các động thái của ông ấy ở châu Á có thể không bị đón nhận với sự nghi kỵ mà họ từng có trước đây.

Chúng ta vẫn đang chờ xem cách tiếp cận của ông Trump với Việt Nam là gì. Việt Nam từng là một yếu tố then chốt trong chiến lược xoay trục của ông Obama, một phần của mạng lưới hợp tác an ninh linh hoạt hơn mà chính quyền trước đây đang xây dựng. Nhưng một cách tiếp cận theo phong cách kinh doanh có thể đồng nghĩa với việc xem Việt Nam là một thị trường vũ khí đang bị Nga chiếm lĩnh - và ông Trump có thể không hoan nghênh điều này.

Lúc này, chính sách châu Á của chính quyền Mỹ trông giống như một chiến lược rất sơ lược và các tuyên bố do (Ngoại trưởng) Rex Tillerson và (phát ngôn viên Nhà Trắng) Sean Spicer đưa ra nhiều khả năng thể hiện một cách tiếp cận rất thẳng thắn và không quá màu mè về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tôi không chắc nó có mục đích hay không, và có lẽ các chi tiết về chiến lược châu Á vẫn đang được xây dựng. Tôi nghĩ chính quyền này sẽ là một đối tác khó khăn hơn cho Việt Nam so với ông Obama, và chúng ta có thể chứng kiến một sự thụt lùi trong cách các mối quan hệ với Mỹ phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.