CIA nuôi ong tay áo

05/01/2010 23:06 GMT+7

Kẻ đánh bom tự sát giết chết 7 nhân viên CIA ở Afghanistan cuối tháng trước chính là một điệp viên nhị trùng.

Khi còn chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa là bước sang năm mới 2010, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã gánh chịu một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong 25 năm qua. Một kẻ đánh bom liều chết đã làm thiệt mạng 7 nhân viên CIA và một quan chức tình báo Jordan ngay tại căn cứ Chapman ở tỉnh Khost (đông nam Afghanistan) vào ngày 30.12.2009. Thông tin ban đầu cho biết kẻ đánh bom là một cảm tình viên trong quân đội quốc gia Afghanistan. Nhưng truyền thông Mỹ và Ả Rập dẫn nhiều nguồn tin khác nhau cho biết đó là Humam Khalil Abu-Mulal al-Balawi, điệp viên người Jordan làm việc cho cả Mỹ, Jordan lẫn al-Qaeda.

Chân tướng al-Balawi

Đài al-Jazeera mô tả al-Balawi là một bác sĩ 36 tuổi đến từ Zarqa, một thị trấn của Jordan vốn cũng là quê nhà của Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh al-Qaeda ở Iraq đã bị tiêu diệt. Theo đài NBC News, al-Balawi đã được tình báo Mỹ và Jordan tuyển mộ và đưa sang Afghanistan nhằm hỗ trợ việc truy tìm Ayman al-Zawahiri, nhân vật số 2 của mạng lưới khủng bố al-Qaeda, người được cho là đang ẩn náu tại khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan. Al-Balawi từng là người ủng hộ sự nghiệp thánh chiến và đã bị bắt vào cuối năm 2007, theo Tổ chức SITE Intelligence Group chuyên giám sát các website cực đoan. Cách đây một năm, người này bị cơ quan tình báo của Jordan bắt giữ, và cơ quan này thuyết phục al-Balawi hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda.

Cũng theo SITE, trước khi bị bắt, al-Balawi đã sử dụng tên Abu Dujana al-Khorasanim để viết bài trên mạng al-Hesbah, một diễn đàn thánh chiến thu hút nhiều chú ý. Cuối cùng, al-Balawi trở thành người quản lý website nói trên. Vào tháng 9.2009, al-Balawi đã trả lời phỏng vấn tờ Vanguards al-Khorasan, tạp chí có liên quan đến al-Qaeda ở Afghanistan. Những người quản lý al-Balawi có lẽ biết cuộc phỏng vấn này, nhưng có thể đã xem nó như một phần vỏ bọc. Al-Balawi đã nói rất nhiều và sử dụng ngôn từ cầu kỳ về sự dâng hiến đời mình cho thánh chiến và tử vì đạo. "Tôi có thiên hướng yêu thích thánh chiến và tử vì đạo từ hồi còn bé. Nếu tình yêu thánh chiến đi vào trái tim của một người, nó sẽ không rời khỏi anh ta ngay cả nếu anh ta muốn làm thế", al-Balawi nói với tạp chí trên.

Báo Washington Post dẫn lời hai cựu quan chức Mỹ về cuộc điều tra nội bộ của CIA sau vụ việc ngày 30.12 cho biết, al-Balawi - người được CIA giao nhiệm vụ xâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của al-Qaeda - đã giành được sự tin cậy của CIA và tình báo Jordan bằng một loạt thông tin hữu dụng. Al-Balawi được giới chức Mỹ và Jordan đánh giá cao bất chấp tiền sử đam mê thánh chiến. Chính sự cả tin này đã dọn đường cho cú lừa ngoạn mục do chính al-Balawi thực hiện, khiến CIA phải muối mặt trước thềm năm mới.

Giăng bẫy và sập bẫy

Đài NBC dẫn lời các quan chức tình báo phương Tây cho biết al-Balawi đã gọi điện thoại cho ông Sharif Ali bin Zeid, viên chức tình báo Jordan được giao nhiệm vụ quản lý al-Balawi, để nói rằng mình cần gặp nhóm nhân viên CIA vì có thông tin khẩn cấp về al-Zawahiri, một bác sĩ Ai Cập là phó tướng của Osama bin Laden. Một số quan chức tình báo Mỹ đã bay từ thủ đô Kabul đến căn cứ Chapman để dự cuộc họp. Về phần al-Balawi,  đã không được kiểm tra kỹ trước khi vào căn cứ Chapman. Tại đó, al-Balawi đứng ngay bên ngoài một tòa nhà và kích nổ quả bom giấu trong người, giết chết tại chỗ 7 nhân viên tình báo Mỹ và ông Zeid, một người thân của Quốc vương Jordan Abdullah II. Không lâu sau khi vụ việc xảy ra, đài al-Jazeera đã dẫn lời một phát ngôn viên của Taliban khẳng định al-Balawi là một điệp viên nhị trùng và đã đánh lừa tình báo Jordan, Mỹ từ một  năm qua.

Vụ đánh bom liều chết ngày 30.12.2009 là vụ gây thương vong lớn thứ hai cho CIA kể từ năm 1965. Đài NBC cho biết người đứng đầu chiến dịch thu thập thông tin tình báo về al-Qaeda và Taliban của CIA ở căn cứ trên đã thiệt mạng. Đó là một trong những ngày đen tối trong lịch sử 62 năm của CIA. Không ít nghi vấn đã được nêu ra sau vụ tấn công. Báo Washington Post cho rằng  al-Balawi chỉ được kiểm tra sơ sài nên có thể mang bom trót lọt vào trong căn cứ. Hãng tin AP dẫn lời nhiều cựu quan chức nói rằng họ không hiểu tại sao lại có quá nhiều nhân viên tình báo đến cuộc gặp trên, trong khi thông thường chỉ cần 1-2 nhân viên cho một cuộc gặp như vậy nhằm giảm nguy cơ rủi ro và lộ nhân thân của cả viên chức tình báo lẫn người cung cấp tin.

CIA chưa bình luận gì về thông tin của báo chí Mỹ và Ả Rập. Phía Jordan cũng không nói nhiều về vụ việc trên. Các thông tin này sẽ tiếp tục được làm rõ, nhưng nếu vụ việc ở căn cứ Chapman xảy ra đúng như báo chí Mỹ nêu, người Mỹ hẳn chưa thể hài lòng với hiệu quả làm việc của cơ quan tình báo nước họ.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.