Cỗ máy tử thần AR-15

14/06/2016 07:00 GMT+7

Hung thủ trong các vụ xả súng giết người hàng loạt gần đây tại Mỹ đều chọn một loại vũ khí có độ sát thương cao: khẩu súng trường bán tự động AR-15.

Thực tế cho thấy AR-15 là lựa chọn ưa thích của nhiều hung thủ xả súng hàng loạt tại Mỹ. Trong vụ thảm sát ở thành phố San Bernardino thuộc bang California vào cuối năm 2015, thủ phạm đã dùng khẩu AR-15 được “độ” lại để giết chết 14 người và làm bị thương 21 người khác.
Vào năm 2012, vũ khí khét tiếng này cũng được sử dụng trong vụ xả súng ở Trường tiểu học Sandy Hook tại thị trấn Newtown thuộc bang Connecticut, khiến 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng.
Trong vụ thảm sát tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando thuộc bang Florida vào ngày 12.6, hung thủ Omar Mateen lại ra tay bằng khẩu AR-15, hậu quả là ít nhất 50 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương. Với con số thương vong cao, đây được xem là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ.
Gốc gác quân sự
AR-15 được thiết kế vào năm 1957 theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ. Theo trang web ar15.com, giới chức quân đội Mỹ thời điểm đó đã yêu cầu Hãng sản xuất vũ khí ArmaLite chế tạo loại súng bán tự động lẫn tự động hoàn toàn, có hộp tiếp đạn chứa 20 viên, có khả năng bắn liên tục với tốc độ cao và bắn thủng cả hai mặt mũ bảo hiểm tiêu chuẩn của quân đội Mỹ thời bấy giờ.
Khi được trang bị cho quân đội vào những năm 1960, súng được đổi tên thành M16 - đối thủ của khẩu AK-47 huyền thoại trong chiến tranh Việt Nam.
Lúc bấy giờ, do khó khăn về tài chính, ArmaLite đã bán mẫu thiết kế khẩu súng trên cho Hãng Colt, vốn bắt đầu bán phiên bản dân dụng vào năm 1963. AR-15 tuy vẫn là thương hiệu của Colt song nhiều hãng sản xuất súng khác đã chế tạo các phiên bản khác nhau với tên gọi khác.
Không như M16 là súng trường tự động hoàn toàn, AR-15 là loại bán tự động, tức người sử dụng phải bóp cò cho mỗi lần bắn. Hầu hết súng AR-15 được bán với ổ đạn gồm 30 viên. Tuy nhiên, người dùng có thể mua các ổ đạn tới 100 viên để gắn vào súng. Khi để chế độ bán tự động, một khẩu AR-15 có khả năng bắn từ 30 - 45 viên đạn/phút, theo tờ New York Daily News.
Còn những khẩu súng được “độ” lại có thể bắn ở chế độ hoàn toàn tự động, với tốc độ bắn nhanh hơn nhiều. Mặc dù việc “độ” súng là bất hợp pháp, nhưng theo nghị sĩ Mỹ Alan Grayson, người sở hữu súng thậm chí có thể xem trên YouTube cách thức “độ” súng để biến AR-15 trở thành cỗ máy giết người khủng khiếp.
Một cửa hàng súng tại Mỹ Reuters
Mua súng dễ như mua rau
AR-15 hiện là khẩu súng trường phổ biến nhất tại Mỹ. Ước tính có khoảng 2,5 - 3,7 triệu người Mỹ đang sử dụng AR-15. Theo truyền thông Mỹ, việc mua AR-15 tại bang Florida còn dễ hơn mua súng lục. Mặc dù khẩu súng này có giá thông thường từ 1.000 - 2.000 USD/khẩu song nó được rao bán trên mạng với giá chỉ chừng 250 USD/khẩu. Ngay sau vụ thảm sát ở Sandy Hook kể trên, doanh số bán AR-15 tăng vọt trên toàn nước Mỹ.
“Khẩu AR-15 như một món hàng thời trang... Giới trẻ rất thích chúng”, chủ một cửa hàng súng ở vùng Pasadena thuộc bang Maryland nói với tờ The New York Times.
Các nhà lập pháp lúc đó cũng dọa hạn chế quyền sử dụng súng trường tại Mỹ và việc này dường như đã thúc đẩy nhu cầu mua AR-15 tăng cao ở Florida và các tiểu bang khác. Theo tờ Orlando Sentinel, giá bán AR-15 tại khu Greater Orlando được cho đã tăng gấp đôi trong vòng một tháng sau thảm kịch ở Sandy Hook.
Ở bang Florida, người dân muốn mua súng trường hay súng ngắn đều không cần giấy phép, theo trang tin của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA). Người muốn mua súng chỉ phải điền vào một mẫu kê khai danh tính và chi 8 USD để được kiểm tra lý lịch.
Theo Trung tâm luật ngăn chặn bạo lực liên quan tới súng - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang California, bang Florida cũng không giới hạn về số lượng vũ khí có thể được mua cùng một thời điểm. Và trong vụ xả súng mới nhất, hung thủ Mateen chỉ mới mua khẩu AR-15 “một cách hợp pháp” vào tuần trước.
Xả súng làm nóng bầu cử Mỹ
Ngay sau vụ xả súng ở hộp đêm Pulse, tỉ phú Donald Trump đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama có hành động cứng rắn chống lại “bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan”, nếu không thì nên từ chức. Ông Trump còn gọi giới lãnh đạo Mỹ là “yếu ớt và không hiệu quả”.
“Đánh giá cao những lời ủng hộ cho rằng tôi đã đúng về khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nhưng tôi không muốn những lời tán thưởng, tôi muốn sự mạnh mẽ và nâng cao cảnh giác. Liệu Tổng thống Obama cuối cùng sẽ đề cập đến khủng bố Hồi giáo cực đoan? Nếu không nhắc đến điều đó, ông ấy nên từ chức ngay”, ông Trump viết trên Twitter, đồng thời cảnh báo những gì xảy ra tại Orlando chỉ mới là sự khởi đầu. Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa cũng cho rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nên rời khỏi cuộc tranh cử tổng thống. “Tôi sẽ bảo vệ tất cả người dân Mỹ. Chúng ta sẽ cùng đưa nước Mỹ trở về thời kỳ an toàn trước đây, an toàn cho tất cả mọi người”, ông Trump viết.
Trong khi đó, nhóm vận động tranh cử của bà Clinton cáo buộc ông Trump đã chính trị hóa các vụ xả súng. “Bà Hillary Clinton có kế hoạch toàn diện chống IS ở trong nước lẫn nước ngoài. Những ngày sắp tới, bà sẽ nói chuyện với người dân Mỹ về các bước đi giữ cho đất nước an toàn. Ngược lại, ông Donald Trump chỉ đưa ra những đòn tấn công chính trị, những phát ngôn tẻ nhạt và những lời tự tán thưởng. Ông Trump không có kế hoạch cụ thể nào để giữ nước Mỹ an toàn”, theo Đài CNN dẫn thông cáo từ nhóm vận động của bà Clinton.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.