Cơn "địa chấn" tài chính tại Đài Loan

26/03/2007 22:47 GMT+7

107 bị cáo, 97 người trốn ra nước ngoài, 2,2 tỉ USD tiền biển thủ là những số liệu mới được Văn phòng công tố Đài Bắc công bố trong vụ án kinh tế thuộc hàng lớn nhất từ trước đến nay tại Đài Loan.

 Vương Lại Tăng, nhà sáng lập Tập đoàn Rebar của Đài Loan, đang đối mặt với án tù 30 năm và số tiền phạt 52,1 triệu USD vì vi phạm Luật Ngân hàng và Luật Giao dịch chứng khoán. Vợ của ông này, Vương Kim Thế Anh, cũng bị kêu án 28 năm tù cộng với 21,8 triệu USD tiền phạt.

Bản cáo trạng trên đã được đưa ra sau khi Đài Loan hoàn tất cuộc điều tra tài chính liên quan đến Tập đoàn Rebar. Theo đó, Vương và gia đình, gồm vợ và 7 người con là giám đốc điều hành các công ty chi nhánh của Rebar, cùng với 98 người khác đã bỏ túi riêng khoảng 2,2 tỉ USD từ 1998 đến 2006.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, họ Vương đã lén rút tiền của các công ty trong tập đoàn và nộp đơn vay ngân hàng dưới tên các công ty ma.  Hành động trên đã bị phát hiện sau khi 2 chi nhánh của Rebar là Chia Hsin Food & Synthetic Fiber và China Rebar nộp đơn xin tái cơ cấu công ty vào ngày 5.1.2007 sau một loạt các tổn thất tài chính nghiêm trọng qua nhiều năm khiến họ mất khả năng trả nợ.

Lãnh đạo công ty cũng tuyên bố cổ phiếu của mình sẽ bị loại khỏi danh sách niêm yết ở Sở Giao dịch Đài Loan vào ngày 11.4 và sau đó sẽ được bán trên thị trường OTC. Tin này gây chấn động cả Đài Loan và người dân ồ ạt rút tiền khỏi Ngân hàng Trung Hoa, cũng thuộc Tập đoàn Rebar.

Theo Ủy ban giám sát tài chính, chỉ trong 1 ngày, tổng cộng 460 triệu USD đã được rút khiến chính quyền phải lập tức can thiệp bằng cách tiếp quản ngân hàng trên và một công ty tài chính khác của Rebar.  Theo Báo The China Post, các nhà điều tra cũng phát hiện những nghi can trong vụ án tài chính Rebar đã biển thủ tiền bằng cách thiết lập 68 công ty ma.

Trong một trường hợp, toàn bộ tài sản trị giá 837,7 triệu USD của Công ty viễn thông băng thông rộng châu Á - Thái Bình Dương đã bị rút sạch vào cuối năm 2006, trong đó 30 triệu USD đã được chuyển sang 2 công ty ma vào năm 2004 thông qua hợp đồng mua... đậu nành. Sau khi phát hiện dấu hiệu khủng hoảng tài chính, Vương và vợ đã tháo chạy đến Mỹ và đã bị chính quyền Đài Loan liệt vào danh sách truy nã hàng đầu.


Vợ chồng Vương Lại Tăng Ảnh: Kwongwah

Nhà chức trách Đài Loan đã gửi toàn bộ hồ sơ khởi tố 2 vợ chồng Vương cho quan chức Mỹ và đề nghị dẫn độ các nghi can về Đài Loan xét xử.  Theo Văn phòng công tố Đài Bắc, vụ Rebar đã lập nhiều kỷ lục về: số bị cáo (107 người); số tiền mà bọn tội phạm rút được (2,2 tỉ USD); độ dài bản cáo trạng (940 trang); số điều tra viên được huy động và số nghi can bị thẩm vấn.

7 người con của Vương hiện đối mặt với mức án từ 6 đến 28 năm tù, với 6 người phải nộp phạt 15,3 triệu USD. Đến nay, cảnh sát chỉ bắt được 10 người trong vụ Rebar, còn 97 bị cáo, gồm cả vợ chồng Vương, đã trốn ra nước ngoài. Đáng nói ở đây là người bảo lãnh cho Tập đoàn Rebar vay nợ và thế chấp bằng cổ phiếu chính là Vương Lệnh Lân, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Đông Hoa, con trai của Vương Lại Tăng. Ông này vừa được xếp vào danh sách những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn hồi tháng 3 với giá trị tài sản ròng là 1 tỉ USD.

Vương Lệnh Lân cho biết sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về số tiền đã bảo lãnh. Hành động "thành khẩn" trên cũng không xua tan mối nghi ngờ của các nhà điều tra. Họ đang đặt dấu hỏi về việc tài sản của Vương "con" gia tăng nhanh chóng chỉ trong vài năm. Sau vụ Rebar, Đài Loan đã sửa lại Luật Ngân hàng. Theo đó, chính quyền có thể đình chỉ hoạt động hoặc tiếp quản các ngân hàng nội địa nếu phát hiện tình hình tài chính có vấn đề nghiêm trọng hoặc bị mất hơn 1/3 vốn. Ủy ban giám sát tài chính cũng đã công bố danh sách 1.500 con nợ xấu, nợ từ 3 triệu USD trở lên, nhằm bảo đảm thông tin chính xác, rõ ràng cho người dân. 

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.