Cùng tôn trọng luật pháp để phát triển

03/06/2017 08:11 GMT+7

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 2.6 cảnh báo Trung Quốc không nên cưỡng ép các nước khác để tránh tổn thất cho chính mình.

Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore, Thủ tướng Turnbull nhìn nhận Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, trở thành một trong những đầu tàu kinh tế thế giới và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực.
“Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ nền hòa bình và hòa hợp trong khu vực của chúng ta, và cũng sẽ tổn thất nhiều nhất nếu nền hòa bình đó bị đe dọa”, nhà lãnh đạo Úc khẳng định.
Bài phát biểu của ông Turnbull còn đưa ra thông điệp về quan hệ vừa tương hỗ vừa cạnh tranh giữa các nước láng giềng và cả cộng đồng thế giới. Trong đó, những đối tác lớn cũng cần hành xử công chính, tôn trọng “luật chơi chung” để tạo được môi trường hòa bình, hòa hợp, cùng nhau thịnh vượng. “Nếu Trung Quốc cưỡng ép, buộc các quốc gia láng giềng vào thế đánh mất sự tự chủ và không gian chiến lược của mình, sẽ vấp phải sự kháng cự và tìm kiếm một sự bảo an đối trọng bằng cách liên minh và hợp tác với nhau và đặc biệt là với Mỹ”, ông cảnh báo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Úc thẳng thắn đề cập vấn đề an ninh biển với quan tâm thiết thân nhất của toàn bộ cộng đồng quốc tế là sự tự do lưu thông đường biển, đường hàng không ở Biển Đông, nơi có đến hơn 50% khối lượng hàng hóa container của thế giới đi qua. “Chúng ta không ảo tưởng. Muốn duy trì sự phát triển năng động của khu vực, phải đảm bảo cấu trúc thượng tôn pháp luật mà chúng ta đã duy trì đến nay. Điều này có nghĩa là hợp tác, không đơn phương chiếm đoạt hoặc tạo ra lãnh thổ hay quân sự hóa khu vực tranh chấp. Điều này có nghĩa là cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, không giành thắng lợi qua hối lộ tham nhũng, can thiệp hay lôi kéo”, ông Turnbull khẳng định.
Sau bài phát biểu, một đại biểu từ Trung Quốc đề nghị ông Turnbull mô tả về một khuôn khổ cấu trúc an ninh lý tưởng cho khu vực, để tất cả có thể chung sống hòa hợp. Gần như nhắc lại những điều đã nói trong bài phát biểu, Thủ tướng Úc nhấn mạnh: “Đó là một nền an ninh không có cưỡng ép, khủng bố tinh thần và bức hiếp”.
Chờ đợi cam kết từ Mỹ
Bên cạnh khẳng định mạnh mẽ của Thủ tướng Turnbull về chủ trương hợp tác duy trì một trật tự khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế của Úc, SLD năm nay đặc biệt chờ đợi sự khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về cam kết duy trì vai trò trong khu vực tại phiên họp toàn thể đầu tiên vào sáng nay 3.6 với chủ đề “Mỹ và an ninh châu Á - Thái Bình Dương”. Trên đường đến Singapore chiều qua, ông Mattis đã nói với báo chí: “Tại SLD, tôi sẽ nhấn mạnh việc nước Mỹ cam kết đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác châu Á - Thái Bình Dương”. “Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung tăng cường các mối quan hệ đồng minh, hỗ trợ cho các quốc gia khả năng tự duy trì an ninh của chính họ và tăng cường năng lực của quân đội Mỹ nhằm ngăn chặn chiến tranh”, ông nói thêm.
Về vấn đề an ninh biển, ông Mattis cho biết tại SLD, ông sẽ nhấn mạnh nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế. Bình luận về kỳ vọng đối với bài phát biểu của ông Mattis, học giả William Choong, chuyên gia về các vấn đề an ninh biển, Trung Quốc và Nhật Bản của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS - đơn vị tổ chức SLD, nói: “Tôi và các đại biểu tham dự SLD không chờ đợi những lời to tát từ ông Mattis, mà là một lời bảo đảm thiết thực”.
Cũng trong ngày 3.6, SLD sẽ diễn ra 2 phiên họp toàn thể với chủ đề “Duy trì trật tự thượng tôn pháp luật và quản lý khủng hoảng an ninh khu vực”. Ngoài ra, diễn đàn còn có 4 phiên họp kín diễn ra đồng thời, bàn về các mối nguy hạt nhân, an ninh mạng và công nghệ mới, hợp tác và tìm giải pháp tránh xung đột trên biển.

tin liên quan

Mỹ thách thức Trung Quốc ở Trường Sa
Trong chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump, tàu chiến Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.