Cuộc chiến của các trùm ma túy Mexico

21/11/2008 23:02 GMT+7

Từ năm 2006, quân đội Mexico phải vào cuộc để chống các tổ chức buôn bán ma túy, bạo lực giữa các băng đảng. Kể từ đầu năm, cuộc chiến này đã khiến hơn 3.800 người chết.

Juan và Paco phóng xe như bay trên những đường phố ở Culiacan. Culiacan là thủ phủ của bang Sinaloa, giáp với bang Hạ California ở Mexico. Đã gần 11 giờ khuya khi họ vượt qua xe cảnh sát địa phương mà không hề đi chậm lại. Juan cầm lái, Paco nghe bộ đàm: “Paco, có bốn người chết ở gần nhà thờ. Đó là một chiếc Chevrolet màu đỏ. Chúng tôi đợi tin anh”. Juan và Paco là nhân viên nhà đòn. Danh thiếp của họ rất đặc biệt, bởi trên đó ghi: “Chuyên gia về các vụ bắn nhau”.

Công việc của họ không đơn giản: phải đến hiện trường trước những công ty nhà đòn khác và giới thiệu dịch vụ của mình với người nhà nạn nhân giữa hai đợt hỏi cung của cảnh sát. Không dưới 6 công ty kiểu này ở Culiacan có “chuyên gia về các vụ bắn nhau”. Paco nói: “Mọi người gọi chúng tôi là chim kền kền và lên án chúng tôi vì đã lảng vảng quanh gia đình khi nạn nhân chỉ vừa mới qua đời. Nhưng đây là một công việc có ích và chúng tôi chẳng bao giờ thất nghiệp cả”.

Culiacan nổi tiếng ở Mexico vì là “cái nôi của nạn buôn bán ma túy”. Đây là thành phố tiêu thụ nhiều xe Hummer nhất ở Mexico. Người ta cho rằng gần 60% nền kinh tế Culiacan có mối liên hệ với tiền buôn ma túy. Thật dễ để nhận ra việc buôn bán ma túy trong thành phố này. Trước tiên là ở các nghĩa trang, đặc biệt là nghĩa trang mang tên “Những khu vườn Umaya”. Một địa điểm đẹp đẽ và ở đó, thợ xây cũng đông như người chết. Những ngôi mộ là các lăng tẩm thật sự, được xây hai tầng, có trang bị máy điều hòa, điện thoại, tủ lạnh và những chiếc ghế bành rộng rãi.

Giống như những nơi khác ở Mexico, vào buổi tối, cuộc chiến giữa các băng nhóm và cuộc chiến chống ma túy (do Tổng thống Felipe Calderon phát động khi ông lên nắm quyền năm 2006) phủ một không khí chết chóc lên Culiacan. Nhưng chính cuộc chiến giữa các ông trùm mới giết chết nhiều người nhất.

Tháng 5 vừa qua, anh em nhà Beltran đã bắn chết con trai của trùm Guzman tại bãi đỗ xe của một trong những trung tâm thương mại hào nhoáng nhất Culiacan. Bắn chết để trả thù cho vụ Alfredo Beltran Leyva bị bắt. Leyva đã bị Guzman “giao nộp” cho nhà chức trách. Ở nơi nhỏ bé này, những cuộc đối đầu thường ngày giữa hai băng nhóm này, kể từ khi vụ việc trên xảy ra, trung bình làm chết 100 người mỗi tháng. Trong thực tế, những tay buôn ma túy đều đã lớn lên cùng nhau, giữa vùng “tam giác vàng” của Mexico. Đó là vùng núi Sierra Madre có khí hậu lạnh gồm 3 bang Sinaloa, Durango và Chihuahua.

Trong những năm 40 thế kỷ trước, người Mỹ nhận thấy vùng núi này có khí hậu lý tưởng để trồng cây thuốc phiện. Họ cần morphine cho lính ngoài mặt trận. Và Mexico luôn sẵn sàng chấp nhận yêu cầu từ cường quốc láng giềng phương Bắc. Người ta chẳng hề suy nghĩ xa xôi rằng việc trồng cây thuốc phiện sẽ trở thành một trong những vấn đề nhức nhối nhất của đất nước Mexico sau này. Và những ông trùm ma túy của Mexico ra đời trong các thôn xóm ấy, nơi chỉ đến được bằng máy bay cỡ nhỏ hoặc sau nhiều giờ đi trên những con đường gập ghềnh.

Quân đội có mặt ở khắp mọi nơi, trên những trục đường chính hay trên những con đường ở Culiacan. Những hàng xe thiết giáp ấn tượng không còn làm người dân ngạc nhiên nhiều nữa. Nhưng sự có mặt của chúng khiến mọi người khó chịu. “Chúng chẳng giúp ích được gì cả mà chỉ làm mọi việc phức tạp hơn”. Đối với Ismael Bojorquez, Tổng biên tập tuần báo Rio Doce, quân đội đã bất lực trước tình hình hiện nay.

Rio Doce đã đăng những bài điều tra rất khó chịu đối với những tay buôn ma túy cũng như lực lượng an ninh. Chẳng hạn như bài viết phủ nhận việc cảnh sát liên bang đã giết 4 trọng phạm hồi tháng 7.2008, mà họ đã loan báo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Những tay này đã chết khi cảnh sát đến và chắc chắn là bị các tay buôn ma túy khác giết.   

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Mexico, 90% vũ khí tịch thu được từ những tay buôn ma túy là đến từ Mỹ. Từ năm 2002 đến năm 2006, trung bình mỗi năm Mexico thu được 2.500 vũ khí hạng nặng và 450.000 viên đạn. Từ tháng 1 đến tháng 9.2008, quân đội cho biết đã tịch thu hơn 9.600 vũ khí hạng nặng và 1.120.000 viên đạn. Dân buôn ma túy cần vũ khí để giành địa bàn hoặc thanh toán nhau.

Alejandro Diaz, Giám đốc hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp, cho biết: “Điều tệ hại nhất trong việc buôn lậu vũ khí này là tiền buôn ma túy đã được rửa thông qua ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ. Đường đi của ma túy và vũ khí chỉ là một”. Lời phát biểu như thế có thể khiến mọi người kinh ngạc. Vì từ trước đến nay Chính phủ Mexico chưa bao giờ công khai thừa nhận điều này. Nhưng trước sự hợp tác yếu kém với Mỹ trong lĩnh vực này, họ đã phải lên tiếng. Ngay cả Tổng thống Calderon cũng không ngần ngại tuyên bố: “Ưu tiên hiện nay là kìm hãm nạn buôn lậu vũ khí từ Mỹ vào Mexico. Chính số vũ khí này đã góp phần lớn vào việc gia tăng bạo lực và giết chết hàng chục cảnh sát và binh sĩ mỗi năm”.

Ngược lại với những gì mọi người vẫn tin, vùng hoang mạc ở biên giới không phải là nơi những tay buôn ma túy vận chuyển hàng vào Mỹ mà chính ở những nơi thị tứ. Kể từ vài năm nay, cảnh sát ở hai bên biên giới đã phát hiện ra, thường là do tình cờ, những “đường hầm ma túy”. Những tay buôn ma túy cho xây một ngôi nhà hay kho hàng ở bên Mexico, rồi cho xây một căn nhà hay một dinh thự bên phía Mỹ. Sau đó cho đào một đường hầm dài vài trăm mét thông giữa hai bên. Rất khó để phát hiện ra đường hầm này. Đôi khi, những tay buôn ma túy không cần đào đường hầm. Trong nhiều năm, chúng đã sử dụng hệ thống cống ngầm, như ở thành phố nằm cạnh biên giới Nogales, bang Sonora.

Tại Mexicali, thủ phủ bang Hạ California, Alfredo Arenas là người phụ trách đơn vị cảnh sát đang hợp tác với các đơn vị ở Mỹ. Giống như nhiều cảnh sát khác, ông không thích đề cập đến chủ đề cảnh sát biến chất. Arenas không phủ nhận việc cảnh sát tiếp tay dân buôn, nhưng ông nổi giận khi người ta chỉ đề cập đến một bên: “Mọi người luôn tin rằng chỉ có cảnh sát Mexico mới biến chất. Dĩ nhiên mọi việc không đơn giản như thế. Rất nhiều đồng nghiệp người Mỹ của tôi bị tống giam vì đã nhận tiền của những tay buôn ma túy. Để mua chuộc cảnh sát Mỹ tốn nhiều tiền hơn gấp 10 lần. Còn ma túy hay vũ khí, khi đã qua biên giới, cần có sự hợp tác của cảnh sát cả hai bên”.

Ngọc Trung (Theo Le Monde Diplomatique)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.