Cuộc chiến giữa cự phú Trung Hoa và tập đoàn khổng lồ nước Pháp

10/06/2007 22:14 GMT+7

Cuối tháng 5 vừa rồi, báo chí Trung Quốc đưa tin Hải quan Thượng Hải đã phát hiện "tỷ lệ vi khuẩn cao bất thường" trong các chai nước khoáng cao cấp Evian nhập khẩu từ Pháp. Đằng sau sự cố này là câu chuyện về cuộc tranh chấp nhằm thôn tính một doanh nghiệp liên doanh, một ví dụ về "thương trường như chiến trường" thời hội nhập.

Hai nhân vật chính của cuộc tranh chấp: một bên là tập đoàn khổng lồ chế biến các sản phẩm sữa và nước giải khát của Pháp Danone, và bên kia là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, "cự phú mì ăn liền" Tống Khánh Hậu, người có tài sản trị giá 800 triệu USD.

Đối tượng tranh giành là Công ty Wahaha, một liên doanh giữa Danone và ông Tống Khánh Hậu. Là người sáng lập Wahaha, từ năm 1996, ông Tống đã nhượng 51% cổ phần của Wahaha cho Danone, nhưng vẫn giữ chức tổng giám đốc. Mặc dù có mâu thuẫn này nọ, mà theo phía Danone là do tính cách độc đoán, lạm quyền của ông Tống, trong suốt 10 năm sau đó liên doanh này phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi sản lượng trong vòng 1 năm từ 1996-1997. Wahaha hiện nắm giữ 23% thị phần nước khoáng tại Trung Quốc, ngoài ra còn sản xuất các sản phẩm từ sữa và nước ngọt có ga.

Nhờ thị trường Trung Quốc, Danone hằng năm thu về 1,4 tỉ euro, bằng 1/10 doanh số của cả tập đoàn.  Cho đến tháng 4 năm nay, đột nhiên Danone công khai ý định mua lại toàn bộ số cổ phần còn lại của ông Tống, khoảng 519 triệu USD. Cuộc chiến chính thức bùng nổ. Vận dụng hết các quan hệ và kỹ năng chính trị của mình, ông Tống lên tiếng trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc tố cáo bị Danone "đe dọa", đồng thời kêu gọi chính phủ "ban hành các quy định để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước những vụ thôn tính xấu xa". Nhằm "đánh" vào tinh thần dân tộc của đồng bào mình, ông Tống - cũng là đại biểu Quốc hội - nhắc nhở: "Chúng ta không còn ở thời kỳ liên quân tám nước xâm lược Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay đã có chủ quyền". Sau đó đã xảy ra vụ hải quan thu giữ 118 triệu lít nước khoáng Evian của Danone ở cảng Thượng Hải vì phát hiện "tỷ lệ vi khuẩn cao bất thường". 

Theo thỏa thuận liên doanh trước đây, Danone dành cho ông Tống 30 ngày để xem xét. Nếu sau đó hai bên không thỏa thuận được với nhau, vụ việc sẽ được đem ra trước tòa án. Lý do mà Danone nêu ra để cắt đứt "lương duyên" với Wahaha là vì họ cho rằng ông Tống đã không tôn trọng các cam kết trước đây: một số doanh nghiệp của ông Tống đã tự ý dùng thương hiệu Wahaha để "đánh lẻ", thu lời 300-400 triệu euro riêng trong năm 2006. Ngày 9.5 vừa rồi, tòa án Trung Quốc đã nhận đơn kiện của Danone. 

 Chưa hết, Danone tiếp tục mở "mặt trận thứ hai" bên ngoài Trung Quốc với vụ kiện 2 doanh nghiệp "lậu" khác của ông Tống đóng tại California. Công ty thứ nhất có trụ sở tại Mỹ, nhưng đăng ký ở quần đảo Virgins thuộc Anh, mang tên Ever Maple Trading (EMT). Người đại diện hợp pháp của công ty này chính là ái nữ của Tống tiên sinh, cô Kelly Fuli Tống. Cũng bị Danone kiện là Công ty nước giải khát Hàng Châu Hongsheng (HHB), một chi nhánh của EMT, do bà vợ của ông Tống làm đại diện, bà này có cả thẻ cư trú thường xuyên tại Mỹ. Cả hai công ty này đều bán sang Mỹ những sản phẩm tương tự như loại mà liên doanh Danone - Wahaha kinh doanh tại Trung Quốc - vi phạm một điều khoản của liên doanh là không được tham gia ở những thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Danone. Các doanh nghiệp song song này thậm chí được sự hỗ trợ của hệ thống phân phối và cung ứng của liên doanh. 

Trước sức ép của một tập đoàn hùng mạnh không thiếu cả kinh nghiệm pháp lý quốc tế lẫn phương tiện, tuần qua, ông Tống Khánh Hậu dường như đã "buông kiếm". Ông tuyên bố từ chức, nhưng làm rùm beng trên báo chí về sự ra đi của mình. Trong một bức thư dài 3 trang, ông lên án ban lãnh đạo Danone "vu khống và sỉ nhục" mình, ông đòi họ phải "thay đổi phương pháp làm việc" và tôn trọng người Trung Quốc. "Nếu không, chẳng bao lâu nữa các vị sẽ phải nói lời vĩnh biệt Trung Quốc", ông đe dọa. 

Không phải ông Tống chỉ nói suông, bởi dù Danone đã bổ nhiệm tổng giám đốc mới với lời hứa "tiếp tục duy trì và phát triển liên doanh", phần lớn trong số 2 vạn nhân viên của liên doanh vẫn ủng hộ người đồng bào thất thế của mình. Thứ sáu tuần trước, hàng loạt bức thư được các nhân viên gửi đến ban lãnh đạo liên doanh, nói rằng họ không chấp nhận một tổng giám đốc do Danone bổ nhiệm. Một bức thư nhân danh tập thể bộ phận bán hàng của Wahaha tự gọi họ là "đội quân của duy nhất tổng giám đốc Tống". Một bức thư khác viết: "Làm sao người cầm lái đáng kính của chúng ta có thể bị những kẻ phản bội người Trung Quốc và bọn giám đốc nhãi ranh đẩy đi. Chúng tôi chỉ muốn tổng giám đốc Tống và kiên quyết bác bỏ Danone". 

Tuy nhiên, dù còn sóng gió như vậy, nhưng đảo ngược tình thế chắc chắn là điều không thể. Có lẽ người Trung Quốc sẽ còn phải bàn luận và suy nghĩ nhiều về trường hợp này, khi để mất vào tay người nước ngoài một doanh nghiệp thuộc hàng top.

Vạn Lý (theo NYT, BBC, Libération)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.