Cuộc đời ly kỳ của điệp viên KGB

18/10/2017 14:00 GMT+7

Được mệnh danh là điệp viên Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) cuối cùng trên đất Mỹ, Jack Barsky đã sống 2 cuộc đời song song trong suốt nhiều năm trời.

Cuộc đời hai mặt của Jack Barsky, sinh năm 1949 tại CHDC Đức (Đông Đức), chấm dứt bên bờ sông Delaware vào một ngày tháng 5.1997. Ông đang lái chiếc Mazda 323 từ thành phố New York về nhà tại bang New Jersey thì bị một viên cảnh sát ra tín hiệu dừng xe. Lúc này, một người đàn ông mặc thường phục xuất hiện và nói: “FBI đây, ông Barsky, chúng ta cần nói chuyện”. “Tôi bị bắt à?”, điệp viên KGB hỏi, rồi mỉa mai: “Sao các ông để lâu vậy?”. Khi đó, đã hơn 18 năm trôi qua kể từ ngày ông đặt chân lên đất Mỹ để làm gián điệp cho tình báo Liên Xô.
Hành trình đến Mỹ
Theo tờ Der Spiegel, câu chuyện bắt đầu khi Barsky còn là một nhà hóa học trẻ xuất chúng với tên khai sinh Albrecht Dittrich tại thành phố Jena (Đông Đức). Năm 1970, KGB tiếp cận Dittrich và ông nhanh chóng gật đầu trước viễn cảnh hoạt động ngầm ở phương Tây. Ông được đưa đến Berlin để đào tạo. Sau đó, ông tiếp tục đến Moscow để huấn luyện chuyên sâu cũng như học tiếng Anh trong 2 năm.
Ngày 8.10.1978, Dittrich, lúc đó 29 tuổi, đến thành phố Chicago (Mỹ) bằng hộ chiếu Canada giả với khoảng 7.000 USD trong túi và giấy khai sinh mang tên Jack Barsky. Đây là tên của một cậu bé 10 tuổi qua đời năm 1955. Theo Der Spiegel, một nhân viên tại Đại sứ quán Liên Xô đã nhìn thấy cái tên này tại nghĩa trang và lấy được bản sao giấy khai sinh của cậu bé. Kế hoạch của KGB là biến Barsky trở thành công dân Mỹ trong vỏ bọc doanh nhân thành đạt và kết bạn với càng nhiều chính khách hoặc những người có ảnh hưởng càng tốt. Mục tiêu lớn nhất là thiết lập được quan hệ với Zbigniew Brzezinski, lúc đó là Cố vấn an ninh cho Tổng thống Jimmy Carter.
Barsky bắt đầu làm nhân viên đưa thư ở New York và rồi có được số an sinh xã hội - bước đệm đầu tiên cho kế hoạch trở thành công dân Mỹ. Ông đăng ký ngành tin học tại Đại học Baruch và không khó để lấy tấm bằng cử nhân. Đến năm 1984, ông làm lập trình viên cho Hãng bảo hiểm MetLife và luôn tự nhận mình xuất thân từ bang New Jersey. Nếu có ai thắc mắc về giọng nói, Barsky trả lời do có mẹ là người Đức. Cứ mỗi tối thứ năm, vào đúng 21 giờ 15, ông ngồi nhà bật radio sóng ngắn để nhận chỉ đạo bí mật từ Moscow. Một lần, Barsky nhận nhiệm vụ truy tìm một điệp viên KGB phản bội ở Canada và lần khác được yêu cầu đánh giá ý kiến của dư luận Mỹ về cuộc chiến tranh của Liên Xô ở Afghanistan. Với khả năng tin học xuất sắc, công lao lớn nhất của ông trong thời gian này là sao chép mật mã lập trình các công nghệ mới của Mỹ. Ông cũng thường xuyên giấu tài liệu mã hóa hoặc các cuộn vi phim tại những nơi kín đáo trong công viên ở rìa New York để đồng sự đến lấy. Tuy nhiên, trong suốt những năm hoạt động bí mật ở Mỹ, Barsky chưa bao giờ kiếm được tấm hộ chiếu Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc ông chỉ được giao những nhiệm vụ “tầm thường”.
Cuộc đời ly kỳ  của điệp viên KGB
Barsky khi còn hoạt động bí mật tại Mỹ Ảnh Tư liệu

Người hai mặt
Trước khi sang Mỹ, Barsky nói với gia đình tại Đông Đức rằng ông được cử đi làm việc tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan và vẫn thường xuyên về thăm. Năm 1980, ông kết hôn với người vợ Đức tên Gerlinde và một năm sau thì con trai Matthias chào đời. Cứ mỗi 2 năm, ông về Đông Đức thăm vợ con trong kỳ nghỉ kéo dài 3 tuần. Trong gia đình của ông, chỉ có bà Gerlinde là biết chồng mình làm việc cho KGB. Tuy nhiên, cuộc sống cô độc và luôn phập phồng căng thẳng ở Mỹ thôi thúc Barsky tìm kiếm hơi ấm gia đình. Năm 1986, ông lại kết hôn với Penelope, một người nhập cư từ Guyana, rồi lần lượt cho ra đời hai người con Chelsea và Jessie. Kể từ đó, người điệp viên sống cùng lúc 2 cuộc đời và cả hai gia đình đều không biết về sự tồn tại của nhau. “Tôi đã làm rất tốt khi phân thân thành hai người. Barsky không liên quan tới Dittrich và Dittrich không phải chịu trách nhiệm về Barsky”, ông hồi tưởng trong cuộc phỏng vấn với Der Spiegel.
Cuộc sống hai mặt của Barsky chấm dứt vào năm 1988 khi KGB cho rằng ông đã bị lộ và ra lệnh trở về gấp. Tuy nhiên, ông lại không muốn trở về nên báo với cấp trên mình nhiễm HIV/AIDS và chỉ có thể điều trị tại Mỹ. Thời điểm đó, căn bệnh này là nỗi kinh hoàng cho cả thế giới và KGB cho rằng đây là “vũ khí sinh học bí mật” của Mỹ. Barsky quyết định đánh cược với số phận dựa trên nỗi ám ảnh này cũng như tin rằng KGB sẽ khó mà thủ tiêu ông trên đất Mỹ. Mặc dù vậy, quyết định ở lại đồng nghĩa với việc ông không bao giờ được gặp lại gia đình ở Đông Đức. Ông đứng trước lựa chọn xé lòng giữa Chelsea, cô con gái vừa chào đời và cậu con trai Matthias ở Berlin. Cuối cùng, ông khẳng định: “Con gái cần tôi hơn”.
Về phía Liên Xô, những thay đổi dưới thời lãnh đạo Mikhail Gorbachev gây sức ép lớn lên KGB khiến cơ quan này có nhiều điều khác phải bận tâm hơn là truy đuổi Barsky.
Lộ tẩy và tình bạn bất ngờ
Barsky hẳn đã có thể tiếp tục sống yên bình với gia đình trên đất Mỹ nếu không phải vì Vasili Mitrokhin, một chuyên viên lưu trữ của KGB đào tẩu sang Anh năm 1992. Theo tờ The Guardian, ông này tiết lộ hàng ngàn điệp viên KGB nằm vùng ở phương Tây, trong đó có cái tên Barsky. Ngay lập tức, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ráo riết điều tra và nhanh chóng tìm ra chỗ ở của Barsky tại bang Pennsylvania vào năm 1994. Trong suốt 3 năm sau đó, đặc vụ phản gián kỳ cựu Joe Reilly theo dõi gắt gao mục tiêu. FBI gắn bọ nghe lén khắp nhà Barsky và cuối cùng, ông tự để lộ trong một cuộc cãi vã với vợ. Trong lúc gào lên với Penelope rằng bà không biết ông “đã hy sinh cho gia đình như thế nào”, Barsky không còn kiềm chế được nên nói ra tất cả bí mật của mình. Dĩ nhiên là mọi chi tiết đều lọt vào tai đặc vụ Reilly.
Sau khi bị bắt, Barsky thành khẩn khai nhận, thậm chí mô tả đầy đủ cách thức KGB tuyển dụng, huấn luyện mục tiêu, đồng thời thể hiện mong muốn được sống tại Mỹ. Sau một thời gian đánh giá gắt gao cộng thêm sự vận động từ chính Reilly, cựu điệp viên đã thoát án tù và được chấp nhận cho ở lại. Ông tiếp tục làm chuyên gia tin học cho nhiều công ty. Mãi sau khi về hưu, Barsky mới chính thức công khai câu chuyện của mình. Hiện ông vẫn thường xuyên lên báo đài bình luận về quan hệ Nga - Mỹ, nhất là nghi án can thiệp bầu cử tổng thống vừa qua. Reilly và Barsky trở thành bạn thân và cả hai thường chơi golf cùng nhau. Theo The Guardian, Reilly còn là cha đỡ đầu cho bé Trinity, con út của Barsky.
Trở thành công dân Mỹ
Năm 2014, sau gần 40 năm kể từ khi đến Mỹ, Barsky chính thức trở thành công dân nước này và được phép dùng cái tên Jack Barsky. Ở tuổi 68, ông hiện sống ở bang Georgia cùng người vợ thứ ba Shawna và con gái Trinity, 7 tuổi. Trong khi đó, tại Đức, bà Gerlinde nộp đơn ly hôn từ lâu và không bao giờ muốn nghe đến tên ông chồng “bội bạc”, theo tờ Der Spiegel. Người con cả Matthias hiện là dược sĩ ở Berlin và từng đến Mỹ thăm cha vào năm 2005.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.