Cuộc đồng hành bất đắc dĩ

19/05/2017 15:45 GMT+7

Nga và Ả Rập Xê Út vừa nhất trí kéo dài thời gian thực hiện thỏa thuận cùng giảm khối lượng dầu lửa khai thác hằng ngày đến cuối quý 1.2018. Nếu không gia hạn, thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6.

Thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê Út là một bộ phận, nhưng là bộ phận quan trọng nhất, trong quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm mức độ khai thác để ngăn giá dầu giảm và dần đảo ngược chiều hướng.
Cho tới nay, việc thực hiện quyết định nói trên của OPEC chưa đạt được mức độ mong đợi. Dù vậy, đối với OPEC nói chung và đặc biệt đối với Nga và Ả Rập Xê Út nói riêng, việc tiếp tục thực hiện quyết sách nói trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Giá dầu mà giảm thì các nước này bị thua thiệt không chỉ đơn thuần bởi không bán được dầu với giá cao mà càng khai thác nhiều thì mức lỗ càng lớn.

tin liên quan

Hội nghị OPEC: Mộng lớn chưa thành
Hội nghị 13 thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với một số nước xuất khẩu dầu lửa khác đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào ngoài lời hẹn tiếp tục họp trong tháng 11.
Điều đáng chú ý ở đây là việc này phải quan trọng như thế nào thì Nga và Ả Rập Xê Út mới chịu tiếp tục liên thủ với nhau như thế.
Ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin cần kết quả cải thiện rõ rệt tình hình phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo tái đắc cử vào tháng 3 năm tới. Ông Putin thừa biết rằng cũng vì chuyện bầu cử này mà Mỹ và EU không dễ gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại nên việc tăng thu nhập từ xuất khẩu dầu khí càng thêm quan trọng.
Ở Ả Rập Xê Út, hoàng gia nước này cũng cần tiền đầu tư cho chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế bớt lệ thuộc vào dầu lửa. Chuyện sống còn như thế buộc họ phải đồng hành với nhau, bất chấp xung khắc lợi ích cơ bản ở Syria và trong quan hệ với Iran.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.