Cuộc đua 'chia phần' mặt trăng

23/08/2016 10:15 GMT+7

Cuộc chạy đua giành quyền chinh phục nguyệt cầu đang sôi động trở lại với kế hoạch xây dựng trạm radar có người đầy tham vọng của Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc chính thức công bố dự án nghiên cứu khả thi về xây dựng một trạm radar có người đồn trú trên mặt trăng. Các nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết dự án trên được âm thầm khởi động từ đầu năm nay và đã nhận khoản kinh phí ban đầu 16 triệu nhân dân tệ từ Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc.
Dụng ý quân sự
South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia tham gia dự án cho biết cơ sở trên, dự kiến bao gồm khu vực dành cho phi hành gia và một hệ thống radar cực mạnh cao tối thiểu 50 m, có khả năng giám sát những khu vực rộng lớn hơn của trái đất so với các vệ tinh hiện tại. Trạm radar dự kiến được sử dụng cả cho nghiên cứu khoa học lẫn giám sát quốc phòng và có thể tạo ra những hình ảnh rõ ràng hơn nhờ những tia sóng tần suất cao có khả năng xuyên qua cả bề mặt trái đất, cho phép theo dõi những khu vực rộng lớn trên mặt đất, dưới biển và trong lòng đất.
Nhóm khoa học gia được giao nhiệm vụ nghiên cứu dự án trên là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực không gian ở Trung Quốc, do ông Quách Hoa Đông phụ trách. Đây là nhân vật đầu ngành về công nghệ radar tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và từng đề xuất thiết lập trạm radar trên mặt trăng trong báo cáo công bố trên chuyên san Science China Earth Sciences cách đây 3 năm.
Dữ liệu thu thập được từ radar sẽ hỗ trợ một loạt vấn đề nghiên cứu khoa học lẫn phục vụ quốc phòng. Radar được kỳ vọng tạo ra ít nhất 1,4 gigabyte dữ liệu mỗi giây, vượt xa băng thông rộng của công nghệ thông tin liên lạc không gian ở khoảng cách xa. Để giải quyết điều này, các chuyên gia đề xuất bố trí phi hành gia chịu trách nhiệm xử lý thông tin tại chỗ. Chưa hết, để có thể tạo ra tia vô tuyến cường độ cao vươn đến trái đất, trạm radar sẽ cần nguồn năng lượng khổng lồ. Vì thế sẽ cần phải xây dựng nhà máy điện mặt trời hoặc hạt nhân ngay trên mặt trăng. Chuyên gia Quách không đưa ra ước tính chính xác về chi phí của dự án trên, nhưng cảnh báo rằng sẽ “cực kỳ đắt đỏ”.
Hiện cũng có nhiều chuyên gia Trung Quốc bày tỏ nghi ngờ về dự án tham vọng này. “Đó là một ý tưởng điên rồ. Chi phí xây dựng một cơ sở quy mô lớn như vậy sẽ cao hơn nhiều lần so với phủ đầy quỹ đạo bằng vệ tinh do thám”, South China Morning Post dẫn lời một nhà khoa học giấu tên nhận định.
Ông Chu Di Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cũng cho rằng khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất, vốn dài hơn 10 lần so với những vệ tinh bay quanh quỹ đạo cao nhất hiện nay, sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về công nghệ. Tuy nhiên, bất chấp lo ngại, giới chức quản lý về khoa học công nghệ của Trung Quốc vẫn tỏ ra lạc quan sẽ có được bước “đột phá quan trọng” vào năm 2020, thời hạn chót để nhóm chuyên gia đệ trình báo cáo khả thi.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc hồi tháng này cũng thông báo kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành một tên lửa đẩy khổng lồ, cùng kích cỡ với tên lửa Saturn V được sử dụng trong chương trình thám hiểm mặt trăng Apollo của Mỹ hồi thập niên 1960, nhằm dọn đường cho những hoạt động quy mô lớn trong không gian bao gồm việc “đưa người đổ bộ lên mặt trăng”.
Thật ra, Bắc Kinh cũng đã bộc lộ tham vọng đối với mặt trăng từ lâu. Ông Tôn Gia Đống, nguyên Tổng phụ trách kỹ thuật vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc, từng khẳng định nước này phải nhanh chân để khi quốc tế thảo luận chia sẻ quyền lợi trên mặt trăng thì Bắc Kinh sẽ có quyền phát ngôn lớn hơn và “sẽ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình”.
Phác thảo “chia phần” mặt trăng của Mỹ và Liên Xô trước đây (phần ngũ giác là của Mỹ, đường ở trên là ranh giới của Liên Xô) Indomitus.net
Sự trở lại của Nga, Mỹ
Có vẻ như “sốt ruột” trước Trung Quốc nên hai cường quốc mặt trăng là Mỹ và Nga đều có chuyển động mới. Moscow đánh dấu trở lại cuộc đua bằng một kế hoạch hoành tráng khi hồi tháng 6, Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) công bố kế hoạch đồn trú lâu dài 12 phi hành gia trên mặt trăng. Cơ sở này sẽ được sử dụng vào việc nghiên cứu và khai thác các khoáng sản quý nhưng không loại trừ khả năng phục vụ mục đích quân sự.
Tờ Izvestia dẫn lời chuyên gia Olga Zharova thuộc Viện Thiết kế chế tạo máy trung ương cho biết theo kế hoạch, căn cứ của Nga sẽ sử dụng năng lượng do một nhà máy điện được xây dựng dưới bề mặt mặt trăng cung cấp. Ngoài ra, một trung tâm trú ẩn cũng sẽ được thiết lập dưới lòng đất để bảo vệ các phi hành gia khỏi phóng xạ hay nguy cơ tấn công hạt nhân. Roscosmos đặt mục tiêu có thể tiến hành một cuộc thám hiểm mới vào năm 2024 trước khi đưa người lên mặt trăng vào năm 2030.
Trong khi đó, từng là nước đi đầu trong lĩnh vực thám hiểm mặt trăng, nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2010 đã quyết định hủy bỏ dự án đưa người trở lại mặt trăng với lý do “quá tốn kém và thiếu sáng tạo”. Thay vào đó, Mỹ quyết định dồn sức vào nỗ lực chinh phục sao Hỏa. Tuy nhiên, đến năm 2014, Cơ quan Hàng không không gian Mỹ (NASA) kêu gọi các đối tác tư nhân tham gia hợp tác phát triển các sứ mệnh trở lại mặt trăng với chi phí thấp. Đầu tháng này, Công ty Moon Express có trụ sở tại bang Florida thông báo họ đã được chính phủ Mỹ phê duyệt kế hoạch phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng vào năm 2017. Nếu dự án diễn ra suôn sẻ thì đây sẽ là bước đánh dấu sự trở lại mặt trăng của người Mỹ sau nhiều thập niên im hơi lặng tiếng.
Phân chia lãnh địa
Theo trang Indomitus, năm 1967, Mỹ và Liên Xô phê chuẩn Hiệp ước Không gian quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài trái đất. Tuy nhiên, dường như vẫn có một sự phân chia ngầm giữa 2 siêu cường thời Chiến tranh lạnh trên lãnh thổ mặt trăng.
Cụ thể, từ ngày 13.2.1966 đến ngày 9.8.1976, không có tàu vũ trụ nào của Liên Xô được đưa lên mặt trăng đáp xuống bên trong một khu vực hình ngũ giác được xác định bởi điểm đáp của các tàu vũ trụ Surveyor 1, Surveyor 7, Apollo 11, Apollo 17 và Apollo 15 của Mỹ. Ngược lại, trong giai đoạn từ ngày 28.7.1964 đến ngày 19.12.1972, không tàu Mỹ nào đáp ngoài lằn ranh được xác lập bởi các tàu Luna 9, Luna 2, Luna 21 và Luna 16 của Liên Xô.
Đến năm 1984, Hiệp ước Mặt trăng ra đời với quy định mặt trăng là tài sản chung của nhân loại, phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia trên trái đất và mọi hoạt động liên quan phải tuân theo luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 16 nước phê chuẩn, trong số đó không có các cường quốc không gian như Ấn Độ, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.