Danh nghĩa hơn thực chất

18/07/2006 00:34 GMT+7

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên thuộc loại văn kiện mà các bên liên quan có thể lý giải theo cách hiểu riêng và chỉ có hiệu lực hạn chế trên thực tế, không phải chỉ vì bị CHDCND Triều Tiên bác bỏ, mà vì các đối tác bên ngoài liên quan có lợi ích rất khác nhau.

Mỹ và Nhật Bản coi nghị quyết này  là một “sự nhất trí với ý nghĩa lịch sử" vì gần như lần đầu tiên Nga và Trung Quốc thể hiện thái độ ủng hộ đòi hỏi của Mỹ và Nhật Bản đối với CHDCND Triều Tiên. Nghị quyết này có thể làm “mát mặt" Mỹ và Nhật Bản, nhưng đâu có buộc được CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa chừng nào Mỹ vẫn còn bị coi là mối đe dọa an ninh đối với CHDCND Triều Tiên và khi chính Mỹ hay một số nước khác cũng thử nghiệm tên lửa thì Hội đồng Bảo an LHQ lại chẳng thấy có nghị quyết gì tương tự.  Hơn nữa, các quốc gia khác đã từ lâu nay đâu còn có quan hệ buôn bán vũ khí gì nữa với CHDCND Triều Tiên. Nga và Trung Quốc đã không để cho nghị quyết này thành sự ủy quyền cho Mỹ tiến hành chiến tranh chống CHDCND Triều Tiên, nhưng như vậy cũng đủ để Mỹ sử dụng gia tăng áp lực cả với Iran trong vấn đề hạt nhân của đất nước này mà Mỹ cũng đang bị bế tắc tương tự.

Sự nhân nhượng của Nga có lý do ở chỗ Nga đang có nhu cầu tổ chức Hội nghị cấp cao G8 thật thành công, cần tranh thủ Mỹ để những bất đồng quan điểm về các vấn đề khác như việc Nga gia nhập WTO hay thái độ đối với Israel...  không hạn chế thành công của hội nghị kia. Còn Trung Quốc vừa chủ ý làm lu mờ ấn tượng là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên, vừa có dịp để ép CHDCND Triều Tiên trở lại diễn đàn đối thoại 6 bên mà Trung Quốc dày công gây dựng lâu nay. Đối với tất cả các đối tác này, việc thỏa hiệp với nhau về nghị quyết là quan trọng, còn có thực hiện hay không hoặc thực hiện đến mức độ nào lại là chuyện khác.

T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.