Đế chế Berlusconi sụp đổ

09/11/2011 23:32 GMT+7

Cơn bão khủng hoảng kinh tế đã góp phần đẩy Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đến quyết định từ chức vào ngày 8.11.

Cơn bão khủng hoảng kinh tế đã góp phần đẩy Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đến quyết định từ chức vào ngày 8.11.

Ông Berlusconi đã không thể cầm cự đến hết nhiệm kỳ thứ 3 của mình vào tháng 4.2013. Ngày 8.11, Hạ viện Ý thông qua bản kiểm toán  ngân sách của năm 2010. Đầu đã xuôi, nhưng đuôi không lọt với ông Berlusconi: kết quả này hoàn toàn nhờ phe đối lập bỏ phiếu trắng, còn số phiếu thuận chỉ được 308 (trên tổng số 630 phiếu). Vị thủ tướng 75 tuổi đã mất thế đa số ở Hạ viện và theo luật bất thành văn ở Ý, ông sẽ phải ra đi. Ông Berlusconi đã chính thức xác nhận sẽ từ chức sau khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua kế hoạch giải quyết khủng hoảng nợ vào ngày 15.11, theo tờ Le Figaro. Việc tìm người thay thế ông Berlusconi sẽ được Tổng thống Ý chỉ định sau khi thảo luận với các đảng phái chính trị trong nước hoặc qua một cuộc tổng tuyển cử trước hạn.

 
“Thuyền trưởng” Berlusconi (giữa) đã phải rời “con tàu” Ý giữa mùa giông bão - Ảnh: Reuters 

Cái kết được báo trước

Ngay khi trở về từ Hội nghị G-20 tại Cannes (Pháp) vào cuối tuần qua, ông Berlusconi đã “được” tiếp đón tại thủ đô Rome bằng cuộc biểu tình quy tụ gần 100.000 người đòi ông từ chức. Rất nhiều nhà bình luận, thậm chí cả một số cộng sự thân tín của ông, cho rằng việc này gần như chắc chắn và chỉ còn là vấn đề thời gian. Thủ tướng Ý đã đến Cannes gần như tay trắng khi không thể đưa ra một kế hoạch ứng phó khủng hoảng “coi được” nào như đã hứa trước đó. Từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến những láng giềng như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đều lạnh nhạt với ông. Chẳng có cuộc đối thoại song phương bên lề G-20 nào được điền tên Berlusconi. Tệ hơn, Ý bị G-20 xem là “điểm đen” của khủng hoảng và phải chấp nhận “được” IMF giúp kiểm định các kế hoạch cải cách kinh tế.

Về mặt ngoại giao, ông Berlusconi đã hoàn toàn thất bại tại Cannes. Nước Ý của ông, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), trong thế “tội đồ” chỉ có thể cắn răng nghe thiên hạ phán xét, không khá hơn bao nhiêu so với “chúa chổm” Hy Lạp. Đối nội cũng không khá hơn. Bất bình vì cho rằng Ý đã bị “mất mặt” vì cách điều hành đất nước quá thụ động của ông Berlusconi, gần 30 nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền đã đầu quân đảng khác hoặc tỏ ý muốn thành lập nhóm độc lập. Đếm tới đếm lui, Thủ tướng Ý chỉ còn khoảng 310 ghế tại Hạ viện ngay trước cuộc bỏ phiếu quan trọng ngày 8.11, vẫn còn cách chuẩn an toàn 6 ghế. Trong khi đó, lúc bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2008, liên minh cầm quyền khá ung dung với 344 hạ nghị sĩ.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Berlusconi đã có 3 nhiệm kỳ làm thủ tướng. Với vai trò lãnh đạo, ông từng không ít lần lách qua cửa hẹp tại những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội Ý, gần đây nhất là vào cuối tháng 3.2011. Những lần đó, ông đã lấy lại sự ủng hộ của những nghị sĩ đang có ý ra đi bằng nhiều cách: hứa hẹn một vị trí quan trọng trong nội các, điền tên vào danh sách ứng cử viên của liên minh cầm quyền ở các cuộc bầu cử trong nước. Nhưng lần này “tuyệt chiêu” của ông Berlusconi đã hết linh nghiệm khi nội các thì chẳng còn mấy vị trí hấp dẫn, đặc biệt trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của đất nước hiện nay. Còn được điền tên vào danh sách bầu cử thì khó có hy vọng khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Berlusconi đang ở mức cực thấp, chỉ 22%, theo tờ Le Monde.

Ngài tỉ phú đào hoa

Cái kết buồn của ông Berlusconi còn có một bước đệm cực kỳ quan trọng khác: hàng loạt vụ bê bối tình ái được khui năm 2009 và đặc biệt nóng lên từ đầu năm nay với những vụ kiện tụng dài hơi. Thăm dò hồi tháng 4.2009 cho thấy ông Berlusconi vẫn rất được lòng dân với tỷ lệ ủng hộ gần 70%. Tuy nhiên, ngay sau đó, con số này bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng ngay lúc những thông tin đầu tiên về chuyện tình trường của thủ tướng được báo chí đăng tải.

Là tỉ phú ngành truyền thông, ông Berlusconi nổi tiếng hào phóng với các người đẹp. Tại các biệt thự sang trọng của mình, nhiều nhân chứng kể lại có đêm một mình ông tiệc tùng với 20 mỹ nhân tuổi chỉ đôi mươi. Những thông tin này làm Thủ tướng Ý bị mất sự ủng hộ của dân chúng nhưng mọi việc trở nên rắc rối hơn khi ông bị cáo buộc đã quan hệ với cô Karima el-Mahroug khi cô này chưa đủ tuổi thành niên. Đến khi hồ sơ vụ bê bối được Tòa án Milan thụ lý, cùng lúc ông lại bị kiện vì gian luận thuế và mua chuộc nhân chứng. Chạy “marathon” theo tòa án, Thủ tướng Ý đã xao nhãng chuyện chính trường và bị cho là nguyên nhân chính khiến nước này chìm sâu vào khủng hoảng. Sắp tới, sau khi từ chức và không còn được hưởng quyền miễn trừ dành cho lãnh đạo quốc gia, tương lai của ông Berlusconi sẽ lại càng u ám hơn.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.