Đến New Zealand, phải cung cấp mật mã điện thoại nếu được yêu cầu

03/10/2018 14:00 GMT+7

New Zealand được cho là trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng quy định buộc người nước ngoài cung cấp mật mã mở khóa thiết bị điện tử như smartphone khi được yêu cầu trong lúc nhập cảnh tại sân bay.

Tờ The New York Times dẫn lời người phát ngôn cơ quan hải quan New Zealand, ông Terry Brown cho biết quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.10.
“Chúng tôi không rõ có bất kỳ quốc gia nào khác có quy định về áp dụng phạt hành chính nếu người nước ngoài từ chối cung cấp mật mã”, ông Brown cho biết thêm.
Theo ông Brown, người nước ngoài khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay sẽ phải cung cấp mật mã hoặc bất kỳ thông tin nào bao gồm dấu vân tay… để cơ quan chức năng có thể truy cập vào thiết bị điện tử cá nhân nếu họ bị tình nghi sở hữu phim khiêu dâm trẻ em hoặc dính líu đường dây ma túy hay tội phạm rửa tiền.
Ông Brown cho hay nếu không đồng ý cung cấp mật mã, người nước ngoài lẫn trong nước sẽ bị tịch thu thiết bị và chịu phạt từ 3.000 USD trở lên và gọi đây là “biện pháp phù hợp” vì lý do an ninh.
Theo quy định mới, lực lượng hải quan có quyền lục soát những nội dung lưu trữ trong điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử khác, nhưng không được phép xem lịch sử truy cập hoặc dữ liệu lưu trên icloud.
Theo luật trước đây, cảnh sát có thể tịch thu thiết bị điện tử khả nghi để giám định, nhưng không thể buộc người nước ngoài phải bàn giao mật mã.
Các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo biện pháp trên của New Zealand sẽ gây hoang mang và khiến nhiều người sợ hãi dù không bị tình nghi hay phạm tội.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vừa lần đầu tiên sử dụng khuôn mặt nghi phạm để mở iPhone X nhằm tìm kiếm chứng cứ.
Theo tờ Forbes, Grant Michalski (28 tuổi) ở TP.Columbus, bang Ohio bị truy tố tội sở hữu phim khiêu dâm trẻ em sau khi cảnh sát lục soát nhà và đặc vụ FBI David Knight yêu cầu người này đưa mặt ra trước iPhone để mở khóa máy bằng công nghệ Face ID.
Theo luật pháp Mỹ, nghi phạm có quyền giữ mật khẩu điện thoại cho đến khi hầu tòa và nhận phán quyết, nhưng các quy định lại không đề cập dữ liệu sinh trắc học như khuôn mặt và vân tay.
Lâu nay, FBI kêu gọi các công ty công nghệ như Apple và Google hợp tác cung cấp dữ liệu của người dùng để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, hầu hết các hãng đều từ chối và khẳng định bảo đảm quyền riêng tư cho khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.