Đi tìm thành phố đáng sống

11/07/2016 10:00 GMT+7

Lãnh đạo hơn 100 thành phố thế giới đang tập trung ở Singapore để bàn phương cách xây dựng đô thị đáng sống trong điều kiện nhân loại đối diện hàng loạt thách thức.

Diễn đàn các thị trưởng thường niên trong khuôn khổ Hội nghị các thành phố thế giới (WCS) năm nay thu hút hơn 110 lãnh đạo các đô thị trên 40 quốc gia trải khắp 5 châu lục, cùng những người đứng đầu các tổ chức quốc tế và các công ty chuyên về giải pháp đô thị.
Do Singapore khởi xướng năm 2010, diễn đàn đang trở thành nơi các nhà quản lý đô thị tìm kiếm ý tưởng mới và giải pháp cho các thách thức của địa phương mình. Có đến 5 lãnh đạo các tỉnh thành của Việt Nam tham dự diễn đàn lần thứ 7, diễn ra từ ngày 10 - 14.7, gồm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh và Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao.
Tuy mỗi địa phương có thể có hoàn cảnh khác nhau, nhưng các nhà quản lý đô thị chỉ ra bốn lĩnh vực mang tính thách thức chung hàng đầu hiện nay là nhà ở, giao thông, ngân sách phát triển hạ tầng và bảo đảm tính bền vững của môi trường sống. Tựu trung lại, “chúng ta đến đây đều cùng có mong muốn xây dựng một nền kinh tế năng động cho thành phố của mình, tạo ra công ăn việc làm tốt cho mỗi người dân, bảo đảm môi trường an toàn và đáng sống cho mỗi cư dân và cung cấp cho họ các dịch vụ công ích như điện nước, giao thông, cơ sở hạ tầng chất lượng tốt”, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore Lawrence Wong đúc kết trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn hôm 10.7.
Câu chuyện Singapore
Bộ trưởng Wong cũng đúc kết một kinh nghiệm quan trọng trong quản lý đô thị, mà Singapore là biểu tượng thành công điển hình, đó là thách thức đồng thời cũng tạo ra cơ hội, với điều kiện các nhà quản lý đô thị phải có tầm nhìn quy hoạch dài hạn và không ngừng cải tiến, đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển, và phối hợp chặt chẽ với các bên có lợi ích liên quan.
“Singapore bị hạn chế bởi quỹ đất tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ít ỏi. Nhưng chính sự thiếu thốn các nguồn lực tự nhiên cần thiết này mà chúng tôi phải tìm mọi cách vượt qua”, ông Wong nói và chỉ ra 2 dẫn chứng: Do hầu như không có nước ngọt tự nhiên, phải lệ thuộc vào nguồn cung từ Malaysia, Singapore đã mở rộng các kênh rạch, xây hồ chứa, phát triển công nghệ lọc nước và tái chế nước thải, để “mỗi giọt nước có thể tuần hoàn nhiều hơn 1 lần”. Nhờ vậy, đảo quốc 5,5 triệu dân này không chỉ đang trở nên tự chủ về nước mà còn trở thành quốc gia có công nghệ xử lý nước tiên tiến.
Singapore là biểu tượng thành công điển hình trong việc phát triển đô thị trong điều kiện bị hạn chế bởi quỹ đất tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ít ỏi Reuters
Ví dụ tiêu biểu thứ hai là việc bồi đắp để nới rộng lãnh thổ từ chưa đầy 600 km2 lên hơn 700 km2 trong vòng chưa đầy 40 năm. “Chúng tôi cần đất, và mỗi năm nhu cầu càng tăng lên. Chỗ chúng ta đang ngồi trước đây là nước, nhưng bây giờ là một đô thị mới. Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục bồi đất lấn biển”, ông Wong nói một cách tự hào về thành công của Singapore trong công tác quản lý và phát triển quỹ đất. Tổ hợp Marina Bay Sands nằm giữa vịnh Marina, nơi diễn ra WCS và hàng trăm hội nghị triển lãm mỗi năm, toàn bộ khu đô thị, trung tâm tài chính hiện đại của Singapore hiện nay là nằm trên đất lấn biển.
Ngoài kinh nghiệm của Singapore, các thị trưởng tham dự diễn đàn cũng được nghe kinh nghiệm đối phó các thách thức thế kỷ 21 của thành phố Rotterdam (Hà Lan), giải quyết bài toán giao thông ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), bài toán phát triển đô thị của Đài Loan, thủ đô Jakarta (Indonesia), bài toán nhà ở và phát triển đô thị bền vững của đại diện LHQ...
Doanh nghiệp EU đem giải pháp tới Việt Nam
Song song với Hội nghị các thành phố thế giới, tuần lễ Nước quốc tế Singapore lần thứ 7 cũng được tổ chức tại Marina Bay Sands. Có 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ quản lý nước, không khí và chất thải đô thị tham gia triển lãm này. Từ ngày 14 - 15.7, đoàn doanh nghiệp này sẽ đến TP.HCM theo chương trình “Các đại lộ kinh doanh của EU ở Đông Nam Á”, một sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU. Theo chương trình, đoàn sẽ có cuộc hội thảo về công nghệ quản lý nước đô thị và kết nối kinh doanh tại khách sạn InterContinental.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.