Diễn viên nhận tiền làm người biểu tình đòi thả lãnh đạo Huawei

Văn Khoa
Văn Khoa
23/01/2020 21:51 GMT+7

Hơn 12 người bên ngoài tòa án thành phố Vancouver (Canada) yêu cầu thả Phó chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Huawei ( Trung Quốc ) Mạnh Vãn Chu thừa nhận đã được hứa trả 100 CAD (hơn 1,7 triệu đồng) cho việc làm người biểu tình.

Những người nói trên tham gia cuộc biểu tình bên ngoài một tòa án ở Vancouver hôm 20.1, cầm bảng viết tay với nội dung “Hãy phóng thích bà Mạnh”, nhưng không lâu sau họ thừa nhận được hứa trả tiền cho 2 tiếng đồng hồ làm "diễn viên", theo tờ The Guardian.
Một người làm diễn viên trong số đó, Julia Hackstaff, viết trên Twitter, mô tả cuộc biểu tình giả là "mưu đồ rẻ tiền bẩn thỉu”, khiến cô nhận nhiều lời chỉ trích trên mạng.
Hackstaff còn viết rằng cô được chào mời công việc đóng vai phụ trong một bộ phim, nhưng ngay sau khi đến tòa án thì nhận ra cô bị lừa tham gia một sự kiện có thật. “Tôi cảm thấy bị lừa, bị lợi dụng, lạm dụng, tức giận và đau buồn đến mức không thể dùng ngôn từ nào có thể mô tả được”, cô Hackstaff viết.

[VIDEO] Huawei kiện cơ quan Ủy ban Truyền thông Mỹ, thách thức lệnh cấm mới

"Tôi thật sự xấu hổ và bối rối’", một người biểu tình khác, Ken Bonson, chia sẻ, giải thích cô không biết gì về bà Mạnh. Hiện không rõ ai là người tuyển mộ những người tham gia biểu tình.
Một phát ngôn viên Huawei khẳng định tập đoàn này không liên quan đến cuộc biểu tình. Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa chưa có phản ứng.
Tiết lộ trên được đưa ra trong lúc luật sư chính phủ Canada trở lại tòa án ngày thứ 3 để tranh luận bà Mạnh nên bị dẫn độ sang Mỹ vì bà đã phạm tội gian lận, không phải vì bà vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Nhóm pháp lý của bà Mạnh lập luận bà bị dính vào ý đồ của Mỹ dùng hiệp ước dẫn độ để thúc Canada thực thi lệnh cấm vận liên quan ngân hàng đối với Iran. Mỹ tình nghi bà Mạnh nói dối với HSBC về mối quan hệ của Huawei với công ty con của tập đoàn có trụ sở tại Iran, đẩy ngân hàng này vào nguy cơ vi phạm lệnh cấm vận của Washington đối với Tehran.
“Nói dối với một ngân hàng để có được dịch vụ ngân hàng gây nguy cơ làm tổn hại kinh tế là lường gạt. Lừa gạt-không phải vi phạm lệnh cấm vận- là trọng tâm của vụ án này”, công tố viên Canada Robert Frater lập luận trước tòa án hôm 22.1.

[VIDEO] CFO Huawei ra tòa đối mặt án dẫn độ sang Mỹ

Để có thể khiến bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ, luật sư thuộc phía tổng chưởng lý Canada-đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ- phải chứng minh được rằng các cáo buộc của Washington chống lại bà sẽ được xem là những tội ác ở Canada nếu xảy ra ở đất nước này, theo The Guardian.
Bà Mạnh khẳng định mình vô tội, lập luận hành vi nghi vấn của bà là hợp pháp ở Canada. Không giống như Mỹ, Canada không có lệnh cấm vận đối với Iran vào thời điểm giới chức Canada bắt đầu tiến trình xét xử dẫn độ, theo luật sư của phó chủ tịch Huawei.
Phiên xét xử dẫn độ bà Mạnh dự kiến kết thúc vào ngày mai 24.1 (theo giờ Canada), nhưng tòa án có thể sẽ không đưa ra phán quyết trong tuần này, theo The Guardian.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.